Cấp thiết xây dựng​​​​​​​ hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 3): Càng sớm bảo vệ, càng giữ được nhiều di sản

VHO - Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ sự quan tâm với những giá trị vô giá cần được bảo vệ, phát huy của di sản tư liệu. Càng sớm có một hành lang pháp lý, chúng ta càng giữ được nhiều di sản vô giá từ quá khứ, càng không có nhiều nuối tiếc khi các di sản mang thông điệp sâu sắc bị năm tháng bào mòn, mai một.

 “Với di sản tư liệu, chậm bảo vệ là mất”

Luật Di sản văn hóa lâu nay đã bảo vệ, phát huy giá trị di sản vật thể, phi vật thể nhưng với các di sản tư liệu thì đang trống vắng. Di sản tư liệu hiện tồn tại trong cộng đồng dân cư, trong các dòng họ rất nhiều và phong phú. Những vật liệu mang tin như sách, giấy dó… rất dễ bị hủy hoại theo thời gian, càng để lâu thì sự quan tâm của cộng đồng càng giảm. Chưa kể, nhận thức của người dân không hiểu hết được tầm quan trọng của di sản tư liệu nên họ sẽ dễ bỏ đi những di sản vô cùng quý. Vì vậy, cần cấp thiết bổ sung hành lang pháp lý để quản lý, bảo tồn di sản tư liệu.

Cấp thiết xây dựng​​​​​​​ hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 3): Càng sớm bảo vệ, càng giữ được nhiều di sản - Anh 1

Thứ nữa, nếu không sớm có hành lang pháp lý này thì rất có thể sẽ diễn ra các hành vi mua bán, hiện tượng sắc phong bị bán ra nước ngoài đợt vừa rồi chẳng hạn. Cũng có nhiều người đi sưu tầm những sắc phong, nhưng họ với mục đích khác chứ không nhằm bảo tồn, phát huy. Trong quê tôi có hiện tượng nhiều sắc phong, câu đối đẹp, quý đã bị mất đi. Vì thế, có hành lang pháp lý, chúng ta có thể sẽ xử phạt nghiêm khắc những trường hợp xâm phạm di sản như vậy. Mặt khác, nếu di sản tư liệu có giá trị quý hiếm nhưng lại không được đưa ra cộng đồng thì tính quý hiếm đó cũng sẽ bị che lấp. Cần có giải pháp khuyến khích mọi người đưa những di sản tư liệu quý hiếm đến với cộng đồng để phát huy giá trị. Tôi cho rằng sự tham gia của những cá nhân hay dòng họ có sở hữu các di sản tư liệu phong phú vào các công việc, đề tài bảo tồn, phát huy di sản tư liệu có ý nghĩa rất thiết thực. Nếu không tuyên truyền, các cá nhân, dòng họ sở hữu những di sản tư liệu quý hiếm sẽ không nhận thức đầy đủ, không phát huy giá trị của khối tài sản vô giá này.

Trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi cũng thường đặt câu hỏi, cùng với di sản vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu thì các tác phẩm văn học thuộc loại hình di sản gì? Chúng ta cũng nên phân biệt để thấy rõ ranh giới giữa di sản tư liệu với các tác phẩm văn chương. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với hành lang pháp lý của di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã dành riêng một chương về bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu, điều này rất phù hợp và cần thiết. Cũng phải thấy rằng, di sản tư liệu không chỉ mang những thông điệp ý nghĩa mà còn rất lôi cuốn. Vậy nhưng trên thực tế, nhiều người còn chưa phân biệt rõ đâu là di sản tư liệu, khái niệm còn mơ hồ, cho nên hành lang pháp lý này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kể cả nhận thức của các cán bộ quản lý văn hóa ở cơ sở. Công việc này cũng rất mất thời gian, nhưng hành lang pháp lý sẽ là bước khởi đầu cần thiết để chúng ta có được quá trình lâu dài, từ đó hỗ trợ, tăng cường để có thêm nhiều di sản tư liệu tiếp tục được công nhận. Cục Di sản văn hóa và cơ quan quản lý di sản ở các địa phương cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về di sản tư liệu. Thực tế là có nhiều cán bộ văn hóa xã hiểu về di sản vật thể và phi vật thể, nhưng lại mơ hồ với di sản tư liệu. Càng sớm có hành lang pháp lý thì càng giữ được nhiều di sản, bởi chậm bảo vệ là mất.

(GS.VS NGUYỄN HUY MỸ)

“Lưu giữ bền vững những di sản cho các thế hệ sau…”

Từ thực tiễn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi lưu giữ 82 bia Tiến sĩ, Di sản Tư liệu thế giới, chúng tôi thấy rằng hành lang pháp lý đối với di sản tư liệu đang là vấn đề đặt ra cấp thiết. Di sản tư liệu gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể, như các bia Tiến sĩ là bia đá, nhưng lại chứa đựng những thông điệp như một pho sử về dữ liệu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, giáo dục… Luật Di sản văn hóa chưa có một quy định bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, đây là điều bất cập. Cần thiết phải được đưa vào quy định của Luật để làm cơ sở cho việc bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt quan trọng này.

Cấp thiết xây dựng​​​​​​​ hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 3): Càng sớm bảo vệ, càng giữ được nhiều di sản - Anh 2

Đối với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, chúng ta có thể thấy bằng mắt những tác động rất rõ từ tự nhiên, môi trường hằng ngày, hằng giờ. Thứ nữa, với những giá trị đặc biệt, hoạt động phát huy, diễn giải giá trị của bia Tiến sĩ cho công chúng là điều rất cần thiết. Nhưng vì chưa được điều chỉnh trong Luật Di sản văn hóa nên dẫn đến thực tế là, những kế hoạch để bảo vệ phát huy cũng gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, đơn vị có những hoạt động cụ thể để phát huy giá trị di sản như các cuộc thi ký họa, tìm hiểu kiến thức, số hóa…, tuy nhiên không thành hệ thống và mang tính chất tổng thể. Nếu có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng và thực hiện đề án bảo vệ, phát huy sẽ thuận lợi, khoa học hơn, không trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm”. Vì thế, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có quy định rõ đối với di sản tư liệu sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị đang được giao nhiệm vụ quản lý di sản tư liệu có điều kiện thuận lợi đầu tư nguồn lực con người, tài chính, nhằm phát huy, lưu giữ bền vững di sản cho các thế hệ sau.

Bên cạnh đó, khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung những quy định mới thì sẽ tác động mạnh đến nhận thức của công chúng. Quản lý di sản tư liệu hiện nay mới chỉ dừng ở phạm vi những người làm chuyên môn, các đơn vị quản lý. Trong công chúng, nhận thức di sản tư liệu là gì, giá trị của di sản tư liệu như thế nào thì chưa thực sự hiểu đầy đủ. Chẳng hạn, với các bia Tiến sĩ, không mấy ai biết được đó là di sản tư liệu đặc biệt giá trị. Luật sửa đổi được bổ sung các quy định mới sẽ dần thay đổi nhận thức về di sản tư liệu với công chúng và khách tham quan, từ đó các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sẽ được quan tâm hơn.

(TS LÊ XUÂN KIÊU, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

“Chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất phát huy giá trị di sản…”

Cấp thiết xây dựng​​​​​​​ hành lang pháp lý cho di sản tư liệu (Bài 3): Càng sớm bảo vệ, càng giữ được nhiều di sản - Anh 3

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy và nhà sử học Dương Trung Quốc tại tọa đàm

Khi làm ở Bảo tàng và Trung tâm di sản các nhà khoa học, tôi thấy rằng nhiều khi cộng đồng không nhận thức được giá trị tư liệu, ký ức mà họ đang nắm giữ. Họ là người nắm giữ di sản, nhưng không thấy hết được giá trị của nó nên sẵn sàng vứt bỏ, đốt đi những bức thư, tấm ảnh, trang bản thảo…

Ví dụ ngay ở làng tôi Lai Xá, quê hương của nhiếp ảnh, khi tổ chức triển lãm về liệt sĩ làng Lai Xá, chúng tôi đến từng gia đình, hỏi bức ảnh của các liệt sĩ, nhiều gia đình đã nói họ bỏ ảnh đi rồi. Và như vậy là chúng ta mất đi di sản, mất đi ký ức. Vì vậy, việc chia sẻ ký ức là điều rất quan trọng, giúp chúng ta có được hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa. Cần giúp mọi người nhận thức được rằng, tư liệu thuộc về mỗi cá nhân, mỗi gia đình không chỉ là bằng chứng về sự nghiệp, những mốc son trong cuộc đời họ, mà ở đó còn phản ánh một thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc. Để từ đó họ biết trân trọng hơn giá trị từ những tư liệu, ký ức mình đang lưu giữ. Tôi cũng có nhiều dịp thực hiện các hoạt động khuyến khích cộng đồng chia sẻ tài liệu, hiện vật, kinh nghiệm và ký ức của mình và đúc rút ra rằng, việc làm này cần phải có trọng tâm, trọng điểm, thông qua các chủ đề, vấn đề cụ thể được nêu ra mới có thể khuyến khích cộng đồng tham gia mạnh mẽ. Chúng tôi ưu tiên vận động những người cao tuổi trước, vì ở họ, việc giữ gìn di sản là vô cùng mong manh. Cùng với đó thì có thể tuyên truyền qua các website, fanpage, báo chí, truyền hình…

Đầu những năm 2000, ở Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức thành công những cuộc trưng bày về gia phả trong đời sống đương đại, 100 năm đám cưới Việt Nam, cuộc sống Hà Nội thời bao cấp... Những trưng bày này phần lớn ý tưởng và phương thức là sự chia sẻ. Hơn 15 năm qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu từ số 0 đến nay có tới 1 triệu tư liệu, hiện vật, với gần 4.000 các nhà khoa học Việt Nam tham gia. Kinh nghiệm của chúng tôi đối với công tác lưu trữ bảo tàng là, trước hết, bất cứ vấn đề gì khi đưa ra cũng phải đáp ứng được nhu cầu quan tâm của cộng đồng; cần biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến, những câu chuyện của cá nhân; trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, luôn phải giữ được chữ tín, giữ được niềm tin. Làm được những điều này thì khối tư liệu nằm rải rác trong cộng đồng sẽ xuất lộ ngày một nhiều hơn, được chia sẻ nhiều hơn.

(PGS.TS NGUYỄN VĂN HUY)

PHƯƠNG ANH (lược ghi)

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc