Thanh Hóa thúc tiến dự án tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
VHO - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa yêu cầu các sở, ngành khẩn trương triển khai Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nơi khởi nguồn cuộc kháng chiến chống quân Minh và là kinh thành của vương triều Lê. Đây là nỗ lực tiếp nối hàng chục năm trùng tu công phu nhằm gìn giữ giá trị lịch sử - văn hóa ngàn năm.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, triển khai thực hiện Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo các hạng mục công trình tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã thống nhất đề xuất của Sở Tài chính, đồng thời giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, Sở VHTTDL được giao rà soát, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự án căn cứ theo các quy định hiện hành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Sở Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Các sở ngành có liên quan phải chủ động xử lý công việc trong phạm vi chức năng, kịp thời tham mưu UBND tỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra Chủ đầu tư tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục, bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Lam Kinh, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân là vùng đất linh thiêng, gắn với thân thế và sự nghiệp của Lê Lợi, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành lại độc lập cho dân tộc sau hơn 20 năm kháng chiến chống giặc Minh.
Sau khi lên ngôi năm 1428, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng tại quê hương Lam Sơn một kinh thành với tên gọi Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh song song với Đông Kinh (tức Thăng Long).
Tại đây, triều Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên và làm nơi an nghỉ của các nhà vua. Các công trình kiến trúc như Chính điện Lam Kinh, sân Rồng, thềm Rồng, Nghi môn, Thái miếu, cầu Bạch, nhà bia, giếng cổ, hồ Như Áng, sông Ngọc, đền thờ Lê Lai... đều mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của một thời kỳ vàng son trong lịch sử dân tộc.
Năm 1962, Lam Kinh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, nơi đây tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Suốt hơn một thập kỷ qua, công cuộc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền, giới chuyên môn và cộng đồng xã hội.
Tính đến nay, khoảng 20 hạng mục đã được tu bổ, phục hồi, với tổng kinh phí huy động lên đến hàng trăm tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Việc tiếp tục triển khai Dự án tu bổ các hạng mục còn lại không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn di sản, mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch của vùng đất cố đô xứ Thanh.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều di sản đứng trước nguy cơ mai một, việc tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ dự án Lam Kinh là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm giữ gìn những giá trị bất biến của lịch sử, truyền thống dân tộc và tinh thần quật cường của thời đại Lê Lợi.