Đánh thức di sản tiền nhân… trong thư viện

NGUYỄN LINH

VHO - Ẩn mình sau những kệ sách tĩnh lặng là kho tàng di sản đang dần được đánh thức: 106 đạo sắc phong cùng hơn 1.000 tài liệu Hán Nôm quý hiếm có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Từ năm 2023, hành trình bảo tồn và phát huy giá trị những cổ thư phủ bụi thời gian đã được khởi động.

Đánh thức di sản tiền nhân… trong thư viện - ảnh 1
Cán bộ kiểm tra tình trạng tài liệu Hán Nôm cổ trước khi tiến hành phục chế và chuyển ngữ

 Đó không chỉ là nỗ lực gìn giữ vật thể, mà là quá trình khôi phục ký ức lịch sử, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, từng bước lan tỏa giá trị di sản xứ Thanh ra khỏi phạm vi địa phương, vươn tới cộng đồng học thuật quốc gia và quốc tế.

Lặng lẽ giữa lòng thư viện

Với gần 490.000 bản sách, báo, tài liệu các loại đang được lưu giữ, Thư viện tỉnh Thanh Hóa không chỉ là trung tâm tri thức của địa phương mà còn là nơi bảo quản một phần quý giá của lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong đó, kho tài liệu cổ quý hiếm với hơn 1.000 bản Hán Nôm và đặc biệt là 106 đạo sắc phong và nhiều tài liệu có niên đại hàng trăm năm, là những minh chứng sinh động cho tiến trình lịch sử, thiết chế xã hội, tín ngưỡng, dòng tộc và những giá trị bản địa đặc sắc.

Nhiều trong số đó là các sắc phong ghi nhận công lao của các nhân vật lịch sử, Thành hoàng làng, các bậc tiền hiền có công với dân, với nước; các tài liệu Hán Nôm là thơ ca, kinh phật, y học, gia phả, thần tích, những thể loại phản ánh chiều sâu văn hóa, tâm thức và đời sống tinh thần của người Việt xưa, đặc biệt là vùng đất Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, do điều kiện bảo quản còn hạn chế trong nhiều năm và tác động của thời gian, không ít tài liệu đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, giấy mục, mực phai, bề mặt bị rách nát, mối mọt, nấm mốc tấn công. Có những sắc phong cổ chỉ còn lại những mảnh giấy vụn nát, chỉ cần chạm tay là bong tróc. Những giá trị quý báu ấy đứng trước nguy cơ bị mai một vĩnh viễn nếu không được phục hồi kịp thời, đúng phương pháp.

“Chúng tôi từng nhiều lần xót xa khi tiếp xúc với những bản sắc phong bị mục nát, chữ mờ nhòe không thể đọc được. Đằng sau mỗi tài liệu ấy là lịch sử, là văn hóa, là tinh thần của cha ông, không thể để mất đi chỉ vì sự chậm trễ”, ông Lê Thiện Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

 Chúng tôi từng nhiều lần xót xa khi tiếp xúc với những bản sắc phong bị mục nát, chữ mờ nhòe không thể đọc được. Đằng sau mỗi tài liệu ấy là lịch sử, là văn hóa, là tinh thần của cha ông, không thể để mất đi chỉ vì sự chậm trễ.

(Ông LÊ THIỆN DƯƠNG, Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa)

Theo ông Dương, việc triển khai kế hoạch không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh gìn giữ di sản văn hóa trong thời đại mới. Nhận thức rõ tính cấp thiết của vấn đề, năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức ban hành Kế hoạch bảo quản, phục chế và biên dịch, hiệu đính tài liệu sắc phong và tài liệu Hán Nôm cổ giai đoạn 2023-2025, với tổng kinh phí hơn 7,5 tỉ đồng từ ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin.

Đây là kế hoạch có tính chất dài hơi, đồng bộ, huy động sự vào cuộc của đội ngũ chuyên gia, cán bộ văn hóa và thư viện nhiều kinh nghiệm. Theo kế hoạch, trong ba năm triển khai, Thanh Hóa đặt mục tiêu phục chế toàn bộ 106 sắc phong và trên 1.000 tài liệu Hán Nôm quý hiếm. Mỗi năm là một giai đoạn với nội dung và chỉ tiêu cụ thể, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng chuyên môn.

Năm 2023, năm đầu tiên của kế hoạch, Thư viện tỉnh đã tiến hành làm sạch, khử trùng 300 tài liệu Hán Nôm, phục chế năm bản tài liệu bị hư hỏng nặng và biên dịch 30 đạo sắc phong đầu tiên. Việc bảo quản được thực hiện theo quy trình chuyên nghiệp: Làm sạch, xử lý nấm mốc, khử trùng và ổn định vật lý. Sang năm 2024, kế hoạch tiếp tục với 345 tài liệu Hán Nôm được làm sạch, khử trùng; 5 bản sách phục chế toàn diện và 35 sắc phong cổ được bảo quản, biên dịch công phu.

Đáng chú ý, các đạo sắc phong được lựa chọn phục chế trong giai đoạn này chủ yếu thuộc thế kỷ XVIII-XIX, mang dấu ấn của triều Nguyễn, triều đại có hệ thống sắc phong phong phú và có giá trị cao về mặt lịch sử. Năm 2025, giai đoạn cuối cùng, sẽ tiếp tục làm sạch 385 tài liệu Hán Nôm còn lại, phục chế năm tài liệu hư hỏng nặng và biên dịch 35 sắc phong, hoàn tất toàn bộ khối lượng công việc theo kế hoạch.

Song song với đó, Thư viện tỉnh được trang bị thêm các thiết bị bảo quản chuyên dụng như máy hút ẩm công suất lớn, tủ đựng sắc phong chuyên biệt, giấy lót free acid, âm nhiệt kế điện tử… nhằm tạo điều kiện tối ưu về môi trường bảo quản tài liệu. Đồng thời, các chuyên gia đầu ngành cũng được mời tham gia thẩm định, giám sát từng giai đoạn để đảm bảo kỹ thuật và nguyên tắc bảo tồn di sản.

Chị Vũ Minh Hoa, cán bộ thư viện trực tiếp tham gia quá trình làm sạch, phân loại tài liệu Hán Nôm tâm sự: “Công việc rất tỉ mỉ, có những buổi phải ngồi hàng giờ chỉ để gỡ từng sợi nấm mốc, làm sạch từng trang giấy. Nhưng khi nhìn những bản sắc phong được hồi sinh, nguyên vẹn, chúng tôi thực sự xúc động”.

Đánh thức di sản tiền nhân… trong thư viện - ảnh 2
Tiến hành rà soát, phân loại tài liệu

Sức sống mới trong cuộc sống đương đại

Khác với những kế hoạch bảo quản mang tính đối phó, công việc tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa được thực hiện không chỉ nhằm bảo tồn vật thể, mà còn hướng tới một mục tiêu lớn hơn, đó là phát huy giá trị của tài liệu cổ trong đời sống hiện đại.

Sau khi hoàn tất khâu phục chế, các tài liệu sẽ được chuyển ngữ sang chữ Quốc ngữ, đồng thời đưa vào hệ thống số hóa của thư viện để phục vụ công chúng rộng rãi. Độc giả có thể tiếp cận kho tài nguyên này không chỉ tại chỗ mà còn qua nền tảng số, mở ra khả năng khai thác cho học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, người dân trong và ngoài nước.

Thư viện tỉnh cũng phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ khoa học cho các tài liệu có giá trị đặc biệt, hướng tới đề xuất công nhận Di sản tư liệu cấp quốc gia, tiến tới UNESCO. Đây không chỉ là sự ghi nhận chính thức đối với giá trị của kho tư liệu mà còn là cơ hội để Thanh Hóa khẳng định vị thế trên bản đồ di sản văn hóa Việt Nam.

Theo đánh giá từ các thành viên Hội đồng chuyên môn, kết quả thực hiện trong hai năm đầu tiên của kế hoạch đã khẳng định hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Việc phục chế thành công hàng trăm tài liệu Hán Nôm và sắc phong không chỉ giúp cứu vớt những tài liệu quý đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, mà còn mang lại cơ hội “sống lại” cho các giá trị văn hóa từng tưởng chừng bị lãng quên.

Trong từng trang giấy đã úa màu thời gian, vẫn còn vang vọng những lời răn dạy, những khúc ca, câu chuyện, bài học đạo lý… của các bậc tiền nhân. Mỗi bản sắc phong, mỗi áng Hán Nôm là một phần ký ức dân tộc, là tiếng nói văn hóa của người xưa gửi lại cho hậu thế. Việc bảo tồn những tài liệu ấy không chỉ là công việc chuyên môn, mà còn là hành động mang ý nghĩa đạo lý: Tôn trọng quá khứ, nuôi dưỡng bản sắc, kiến tạo tương lai. Đó cũng là lời cam kết của những người làm văn hóa xứ Thanh, rằng trong dòng chảy sôi động của thời đại, những giá trị truyền thống vẫn sẽ được gìn giữ, trân trọng và lan tỏa.

Thanh Hóa với nền tảng di sản phong phú, đang từng bước biến kho tàng tài liệu cổ thành nguồn lực văn hóa sống động, phục vụ công cuộc giáo dục, nghiên cứu, quảng bá và hội nhập. Không ồn ào, không phô trương, nhưng bền bỉ, chắc chắn, hành trình gìn giữ di sản đang được những người lặng thầm thực hiện bằng trái tim, trí tuệ và lòng tự hào về quê hương, cội nguồn dân tộc. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc