Xóa nhà tạm giúp đồng bào ở A Lưới an cư

SƠN THÙY

VHO - Huyện A Lưới là địa phương khó khăn ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng nhờ khai hiệu quả các chính sách, giải pháp đồng bộ về giảm nghèo nên đời sống của bà con đã đổi thay tích cực. Trong đó, công tác xóa nhà tạm đã giúp hàng nghìn hộ nghèo an cư để có động lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Xóa nhà tạm giúp đồng bào ở A Lưới an cư  - ảnh 1
Một đợt bàn giao nhà ở cho các hộ nghèo tại huyện miền núi A Lưới

Theo thống kê của UBND huyện A Lưới, cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 3.485 hộ, chiếm tỉ lệ 24,30%; hộ cận  nghèo là 2.235 hộ, tỉ lệ 15,58%. Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, hàng nghìn hộ gia đình ở A Lưới đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố.

Đến nay địa phương đã phê duyệt hỗ trợ nhà ở (xóa nhà tạm) cho 3.786 hộ gia đình với tổng kinh phí hơn 231 tỉ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 200,4 tỉ đồng, hỗ trợ 3.341 nhà; gồm ngân sách trung ương 133.6 tỉ đồng và ngân sách địa phương cùng các nguồn xã hội hóa là hơn 66,8 tỉ đồng. 

Ngoài ra, từ các nguồn hỗ trợ khác với kinh phí hơn 31 tỉ đồng cũng đã giúp cho 445 hộ dân xóa nhà tạm. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã cùng chung tay với chính quyền địa phương để cùng đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ 12 tỉ đồng để xây dựng 200 nhà; Ngân hàng NN&PTNT hỗ trợ 100 hộ dân với kinh phí 5 tỉ đồng; Dự án Làng Hòa bình hỗ trợ 13,4 tỉ đồng cho 134 hộ dân…

Xóa nhà tạm giúp đồng bào ở A Lưới an cư  - ảnh 2
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho hộ nghèo được nhận nhà ở mới.

Gần một năm trước, gia đình chị Hồ Thị Pao ở xã A Ngo cũng được khởi công xây dựng từ nguồn hỗ trợ về nhà ở của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Có kinh phí từ chính sách của Nhà nước, chị Hồ Thị Pao và chồng bàn nhau bán thêm gia súc và mượn bà con để có thêm nguồn lực để căn nhà kiên cố hơn. Có được ngôi nhà bê-tông, vừa đảm bảo an toàn cho gia đình sinh sống, vừa có động lực để phấn đấu gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế thoát nghèo. 

Anh Hồ Minh Ý, 36 tuổi, trú tại xã Quảng Nhâm cũng vừa xây dựng ngôi nhà mới với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, hai vợ chồng anh đã dành dụm, vay mượn góp thêm. Ngôi nhà khang trang, gia đình 4 người yên tâm sinh sống, lao động và phấn đấu thêm. 

Già làng Pi Hôi Cu Lai, 77 tuổi, người có uy tín ở xã Hồng Hạ chia sẻ rằng: thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con tự lực tự cường, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc  gia 60 và chương trình 1719, xã Hồng Hạ đã làm tốt; các gia đình trong diện được hưởng các chính sách đã chủ động hơn. 

“Vừa có kinh phí Nhà nước hỗ trợ nhưng bà con cũng chủ động phát triển kinh tế để đóng góp thêm để xây dựng nhà cửa kiên cố. Nội dung này bà con trên địa bàn xã Hồng Hạ rất đồng tình. Với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà xây mới nhưng có những hộ gia đình đã làm đến 150 - 200 triệu/nhà để đáp ứng nhu cầu của gia đình. An cư thì mới lạc nghiệp, xóa nhà tạm rồi, bà con yên tâm và phấn đấu sản xuất, phát triển kinh tế” - già làng Pi Hôi Cu Lai cho biết. 

Xóa nhà tạm giúp đồng bào ở A Lưới an cư  - ảnh 3
Cùng với các chính sách về nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ dân tại huyện A Lưới chủ động góp thêm sức người sức của để có căn nhà kiên cố an cư

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, đến năm 2025, sẽ có khoảng 4.400 - 5.000 nhà ở được xây mới và sửa chữa, đảm bảo môi trường sinh sống của người dân. Trong đó, mỗi nhà xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, nhà sửa chữa được hỗ trợ mức 30 triệu đồng/nhà, còn lại nguồn đối ứng của gia đình. 

“Ngoài nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia thì tỉnh còn có nguồn vận động từ các công ty, doanh nghiệp trên địa để hộ trợ người dân ở A Lưới xóa nhà tạm, nhà tranh tre. Chúng tôi vận động bà con mạnh dạn góp thêm nguồn lực, vay vốn chính sách để có được ngôi nhà kiên cố, đảm bảo an toàn lâu dài cho gia đình. Cũng từ đó, có động lực vươn lên, góp phần giảm nghèo bền vững”- ông Nguyễn Văn Hải nói.

Huyện A Lưới xác định việc xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện quyết liệt. Qua đó, góp phần giảm tiêu chí về thiếu hụt nhà ở cho đồng bào DTTS. Có nhà ở rồi thì bà con cũng yên tâm với lao động sản xuất, phát triển kinh tế…