Tăng cường bảo tồn bản sắc các dân tộc thiểu số huyện A Lưới
VHO- Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) vừa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, UBND huyện A Lưới tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, cho học viên là cán bộ văn hoá xã và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
Huyện A Lưới được biết đến là một huyện miền núi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu. A Lưới là một vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, nơi hội tụ sắc màu văn hóa của các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Bru Vân Kiều... với nhiều lễ hội truyền thống hội tụ nhiều sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của di sản văn hóa. Đây là điều kiện để A Lưới phát huy tiềm năng phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng.
Huyện A Lưới là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc các dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm năm qua công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới đã được Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện A Lưới quan tâm chú trọng xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế -xã hội của địa phương.
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, các tập tục văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới được duy trì thường xuyên. Các lễ hội truyền thống của đồng bào và nhiều di sản văn hóa khác được khôi phục, phục dựng. Phong trào văn hóa dân gian đang được phát huy mạnh mẽ ở các làng, thôn, tổ dân phố của huyện. Các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, bảo tồn, thường xuyên được tổ chức tại cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm.
Học viên tham gia là cán bộ văn hoá xã và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới
Bên cạnh đó, huyện A Lưới chú trọng xây dựng chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân- chủ thể nắm giữ các di sản văn hóa trong công tác sưu tầm, bảo tồn và trao truyền phát huy các giá trị văn hoá. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn lực nhằm xã hội hoá việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hoá, góp phần đưa các lễ hội này trở thành các sản phẩm du lịch. Kết hợp công tác bảo tồn các giá trị văn hoá với phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở A Lưới.
Huyện A Lưới cũng xây dựng nhiều giải pháp gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bằng cách thường xuyên hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành, tăng cường truyền thông xây dựng và phát triển các tour, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu tại huyện A Lưới
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc, mới đây Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) vừa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, UBND huyện A Lưới tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, cho học viên là cán bộ văn hoá xã và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh nói chúng và huyện A Lưới nói riêng. Cung cấp cho các học viên một số chủ trương, chính sách mới, một số thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, giúp học viên nhận diện rõ hơn các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên địa bàn, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, các học viên được phổ biến 4 chuyên đề gồm: Phổ biến một số chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác văn hoá dân tộc; bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở; Phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Vai trò của pháp luật trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số; Công tác giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển điểm đến du lịch; thực trạng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng; định hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Những kiến thức về pháp luật trong văn hóa sẽ giúp cho đồng bào các dân tộc ở A Lưới lựa chọn cách ứng xử hợp lý, đúng đắn, hài hòa giữa lợi ích của mình và lợi ích của cộng đồng, không vi phạm các quy định của pháp luật. Ở đó chủ thể của văn hóa chính là mỗi người dân đều hiểu biết các chính sách pháp luật, thực hành văn hóa theo các chuẩn mực được quy định.
Các học viên trao đổi tại lớp tập huấn
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói chung, huyện A Lưới nói riêng, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, UBND huyện A Lưới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phục hồi giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo, truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ mai sau.
Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, UBND huyện A Lưới cùng sự chung tay của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bài trừ các tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Qua đó, nâng cao ý thức, khơi dậy niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống, động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch, ông Nguyễn Thiên Bình nhấn mạnh.
VY OANH; ảnh H.MẠNH