Sắc màu văn hóa dân tộc tại trường Đại học đầu tiên
VHO - Thanh âm dìu dặt từ tiếng khèn của dân tộc Giẻ Triêng, sắc màu rực rỡ pha lẫn thâm trầm của thổ cẩm đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều đến từ vùng cao A Lưới, chiếc khung cửi gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được đưa đến từ Tây Nguyên đại ngàn…, tất cả hiện diện đầy quyến rũ trong không gian của di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên, vào những ngày đầu năm mới 2025.
Lần đầu tiên, trưng bày “Quà tặng của nhân gian” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với ý tưởng quảng bá, giới thiệu những giá trị tinh hoa trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các làng nghề trăm tuổi ở nhiều vùng miền, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hơi thở núi rừng giữa Thủ đô
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ, “Quà tặng của nhân gian” là một không gian văn hóa sáng tạo, điểm đến để các nghệ nhân, những tinh hoa văn hóa của các địa phương, làng nghề truyền thống cùng trình diễn những giá trị văn hóa đặc sắc, kết nối và tạo sức hút với du khách.
Ông Kiêu cho biết, đây là một trong những hoạt động để tiếp tục xây dựng, đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo, trung tâm hoạt động văn hóa của Hà Nội. Tại đây, du khách được chứng kiến, trải nghiệm cùng những bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo từ 12 nghệ nhân đến từ bảy làng nghề. Đặc biệt, có những nghệ nhân dân tộc thiểu số đến từ những vùng đất xa xôi như Tây Nguyên đại ngàn, vùng núi cao A Lưới (Thừa Thiên Huế)… Lần đầu tiên trong không gian cổ kính, trầm mặc của di tích, các nghệ nhân nắm giữ các bí quyết nghề truyền thống cùng gặp gỡ, trình diễn nét đặc sắc của tinh hoa đất nghề cha ông để lại. “Mong rằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ không chỉ là nơi để khách đến tham quan mà còn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa vì cộng đồng, có sự kết nối, giao lưu giữa các vùng miền. “Quà tặng của nhân gian” là món quà đầu năm mới với mong muốn hỗ trợ, cùng các nghệ nhân quảng bá nét văn hóa, sản phẩm nghề truyền thống tới công chúng Thủ đô và khách quốc tế khi đến Hà Nội”, theo TS Lê Xuân Kiêu.
Ở một góc nhỏ của trưng bày, hai ông cháu NNƯT A Brol Vẻ (dân tộc Giẻ Triêng đến từ làng Đăk Răng, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) say sưa cất lên những giai điệu của đàn, khèn…, những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng để phục vụ du khách đến thăm Văn Miếu. Ở độ tuổi 80, nghệ nhân A Brol Vẻ vẫn luôn gắn bó với thanh âm của núi rừng Tây Nguyên, say sưa giữ lửa và truyền nghề cho con cháu và bà con dân làng. Ông được biết đến là người mang âm thanh núi rừng vào âm nhạc Tây Nguyên, để tiếng đàn, tiếng khèn mộc mạc, mang hơi thở núi rừng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên qua bao thế hệ. Nghệ nhân A Brol Vẻ cũng là người có khả năng chế tác và sử dụng thành thạo 12 loại nhạc cụ. Mỗi dịp địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa thì những âm thanh nhạc cụ của nghệ nhân lại vang lên, hòa vào âm thanh văn hóa đại ngàn cồng chiêng Tây Nguyên.
Ông cười hiền hậu: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã đưa các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình đi biểu diễn ở các địa phương trong cả nước. Ở bất cứ nơi nào, khi trình diễn, các nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng đều tự hào giới thiệu về nét đặc sắc của văn hóa dân tộc nói chung, của âm nhạc Giẻ Triêng nói riêng”. Đây là lần thứ năm ra Hà Nội biểu diễn nhưng là lần đầu tiên, ông A Brol Vẻ được trình diễn trong không gian của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với cháu trai là nghệ nhân A Muôn, những thanh âm đại ngàn được NNƯT A Brol Vẻ cất lên đã níu giữ bước chân bao vị khách đến với Văn Miếu. Đăc biệt, rất nhiều đoàn khách quốc tế đã dừng bước và bày tỏ sự thích thú trước những tiếng khèn, tiếng đàn mộc mạc, trước những đường nét hoa văn mang bóng dáng núi rừng mà các nghệ nhân đã vượt qua cả ngàn cây số để mang đến Thủ đô.
Đưa các sản phẩm gùi làm bằng mây tre đan giới thiệu tại chương trình, NNƯT A Lễ đến từ làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) cũng bày tỏ niềm tự hào khi được về Thủ đô tham dự chương trình. Đây là cơ hội để nghệ nhân giới thiệu đến du khách về nghề đan lát và cây cà phê xứ lạnh ở làng Kon Chênh, ngôi làng nhỏ nằm ở độ cao trên 1.200m, quanh năm sương mù bao phủ. “Đây là lần thứ hai tôi được về Thủ đô. Tham dự chương trình, tôi mong muốn được học hỏi từ các nghệ nhân trên mọi miền Tổ quốc để về phát triển nghề đan tre cho quê hương. Hằng ngày, ngoài làm nghề, tôi còn đi dạy nghề đan tre, duy trì hoạt động của đội cồng chiêng cho các xã. Dân tộc M’Nông ở Tây Nguyên có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tôi mong muốn tiếp tục được góp sức duy trì, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cho quê hương mình”, NNƯT A Lễ bày tỏ.
Giữ hồn dân tộc
Dệt Zèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế). Nét độc đáo và khác biệt của dệt Zèng là tấm vải chủ yếu được tạo nên từ những hạt cườm dệt tỉ mỉ. Vừa đưa đôi bàn tay thoăn thoắt trên những tấm dệt, nghệ nhân Hồ Thị Hợp (dân tộc Tà Ôi đến từ huyện A Lưới) vừa say sưa giới thiệu với du khách về những tấm thổ cẩm mang sắc màu văn hóa quê hương. “Zèng A Lưới đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trải qua nhiều năm tháng, dù cuộc sống bây giờ hiện đại hơn trước nhưng người Tà Ôi ở A Lưới nhà nào cũng có người biết dệt thổ cẩm. Đó chính là bản sắc văn hóa, là hồn cốt của dân tộc chúng tôi”, nghệ nhân Hồ Thị Hợp chia sẻ.
Mong muốn giữ lửa, truyền nghề cho thế hệ kế cận, nghệ nhân Hồ Thị Hợp nói, dệt Zèng đang đứng trước nhiều thách thức của cuộc sống hiện đại. Để làm nên một tấm thổ cẩm chừng một mét, mỗi nghệ nhân phải dành thời gian vài ba ngày. “Giá trị kinh tế không cao, lại tốn nhiều công sức, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải giữ lửa cho nghề cha ông để lại. Cùng với những nỗ lực giữ nghề, các nghệ nhân dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều ở A Lưới vẫn luôn truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp. Chúng tôi cũng mong muốn các sản phẩm văn hóa của dân tộc sẽ trở thành sản phẩm thu hút du lịch trong tương lai…”, nghệ nhân Hồ Thị Hợp tâm sự. Nét đẹp của những tấm thổ cẩm được dệt nên bởi bàn tay các nghệ nhân đến từ Sa Thầy (Kon Tum) cũng là điểm nhấn thu hút du khách. Vườn quốc gia Chư Mom Ray là khu bảo tồn sinh học quốc gia có nhiều dân tôc thiểu số như Rơ Măm, Ba Gốc, Bờ Râu, Gia Rai..., những tộc người sinh sống cùng thiên nhiên kỳ vỹ vẫn luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển nghề dệt thổ cẩm. Nghệ nhân Y Mửi, dân tộc Gia Rai tại chương trình đã trình diễn các thao tác dệt nên những mảnh vải thổ cẩm với tâm hồn của một người con của đại ngàn Tây Nguyên, điểm xuyết sắc màu rực rỡ giữa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Không gian trình diễn, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm của làng cói Kim Sơn (Ninh Bình) cũng luôn thu hút các vị khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Đại diện làng nghề, nghệ nhân Đỗ Văn Tấn không ngơi đôi bàn tay sáng tạo và giới thiệu nhiều sản phẩm sinh động từ cói. Ông tâm huyết giới thiệu về nghệ thuật làm cói đặc biệt của người dân nơi đây với truyền thống 200 năm tuổi. “Chúng tôi thực sự tự hào khi được đem những giá trị tinh hoa của làng nghề cói Kim Sơn đến giới thiệu tại không gian triển lãm “Quà tặng của nhân gian”. Hiếm vùng đất nào có nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao (Thái Bình). Nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584, trải qua hơn 400 năm từ khi hình thành, người dân làng Nam Cao vẫn kiên định gìn giữ tinh hoa đất nghề cha ông để lại. Nghệ nhân Nguyễn Đình Đại ở tuổi ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài giữ lửa và truyền lại cho thế hệ sau những bí quyết của nghề. Tại chương trình, nghệ nhân đã giới thiệu đến công chúng những nét đẹp của nghề dệt đũi truyền thống quê ông.
Chương trình “Quà tặng của nhân gian” diễn ra từ ngày 2 - 5.1.2025.