“Sắc màu hội tụ” nơi đất thiêng Quảng Trị
VHO - Các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc từ 16 tỉnh, thành trong nước đã có dịp hội tụ về đất thiêng Quảng Trị để cùng nhau phô diễn những nét văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần tôn vinh và lan tỏa giá trị bản sắc độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S.
Quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống
Dù thời tiết mưa lạnh, nhưng đông đảo các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, tình nguyện viên vẫn rất nhiệt tình và hào hứng tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024. Sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Tại gian trưng bày của đoàn Quảng Trị, nghệ nhân Hồ Văn Dương, 80 tuổi, đến từ xã Ba Nang, huyện Đăkrông, đã giới thiệu những sản phẩm đan lát, điêu khắc và thủ công mỹ nghệ đặc trưng của đồng bào Pa Cô. Đây là sản phẩm do chính tay ông tạo ra, phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình và bán lại cho người dân trong vùng. Đặc biệt, những cây đàn ta-lư mà nghệ nhân chế tác đã được sử dụng trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống của bà con ở vùng biên giới Việt - Lào. Những sản phẩm thủ công này không chỉ là vật dụng trong cuộc sống mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào vùng cao Quảng Trị.
Nhằm quảng bá nét đẹp truyền thống, đoàn Quảng Trị đã mang đến Ngày hội những tiết mục, chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc. Nghệ nhân Kray Sứt đã dàn dựng và giới thiệu trích đoạn Lời chúc phúc Aza từ Lễ hội Ariêu Aza của đồng bào Pa Cô. Đoàn cũng gửi đến liên hoan văn nghệ quần chúng những tiết mục như: Múa “Cánh chim đại ngàn”, dân ca Pa Cô “Mối tình kết duyên”, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Pa Cô và Vân Kiều “Tổ khúc đoàn kết dân tộc”, hát múa “Ai về rừng xanh quê em”...
NSƯT Hoàng Thanh Hải, Trưởng đoàn Thanh Hóa thông tin: Đoàn có 36 nghệ nhân, diễn viên tham gia Ngày hội, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt, trích đoạn múa trong Lễ hội Sết boọc mạy của dân tộc Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh đã được Bộ VHTTDL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 3.2024.
“Thông qua Ngày hội, chúng tôi mong muốn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa nói riêng, cũng như văn hóa của các dân tộc trên toàn quốc nói chung, sẽ được gìn giữ một cách trọn vẹn. Từ việc bảo tồn này, chúng tôi hy vọng sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa, lan tỏa sâu rộng giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè khắp nơi”, bà Hoàng Thanh Hải chia sẻ.
Minh chứng cụ thể trong triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng
Trong khuôn khổ Ngày hội, các đoàn từ 16 tỉnh, thành đã cùng tham gia biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, thi đấu thể thao và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên khắp cả nước. Đặc biệt, tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Sắc màu hội tụ”, 16 đơn vị đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn nhạc cụ, dân ca, dân vũ đặc trưng của đồng bào từng địa phương, tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, phong phú và hấp dẫn.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình”, Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc; Trình diễn và giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; Trưng bày, giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; Các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian; Các hoạt động quảng bá du lịch… Đặc biệt, chủ thể của các hoạt động là các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ các cộng đồng dân tộc, góp phần chuyển tải và lan tỏa bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền trên khắp đất nước.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, cũng như của tỉnh Quảng Trị. Đây là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên và vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để tỉnh Quảng Trị quảng bá và giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương, con người Quảng Trị đến bạn bè và du khách trong và ngoài nước, gắn kết công tác gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững”.