Lâm Bình (Tuyên Quang):
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
VHO - Những năm gần đây, du lịch cộng đồng, gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương đang được các cấp chính quyền Tuyên Quang thúc đẩy mạnh mẽ.

Lâm Bình, huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng yên bình và nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn...
Nhờ đó, Lâm Bình sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Với địa hình đa dạng, huyện có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như hồ Na Hang, thác Khuổi Nhi, thác Nặm Me, động Song Long, rừng nguyên sinh Tát Kẻ - Bản Bung... Đây là những điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.

Bên cạnh đó, Lâm Bình còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Du khách đến đây có thể tham gia vào các hoạt động như tham quan các bản làng truyền thống, tìm hiểu về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, nhạc cụ...
Cùng với đó, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống thường ngày như tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, hái rau rừng, nấu ăn... cùng người dân địa phương. Du khách đến Lâm Bình được hòa mình vào không khí sôi động của các lễ hội như lễ hội Lồng Tông, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội Cầu mùa...

Nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của du lịch cộng đồng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang cũng như huyện Lâm Bình đã và đang có nhiều chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này.
Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng các điểm dừng chân, nhà vệ sinh... được quan tâm.
Đại diện Sở VHTTDL Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh hiện có 146 homestay, tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Những homestay này đang tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa gắn với du lịch.

Qua các lớp tập huấn, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, mỗi người dân là một hướng dẫn viên, một “đại sứ” du lịch, góp phần tạo ấn tượng đẹp, xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện trong lòng du khách.
Tại huyện vùng cao Lâm Bình, người dân tại nhiều điểm du lịch cộng đồng như Bản Bon, xã Phúc Yên; tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang; thôn Biến, xã Phúc Sơn; thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm đã được hỗ trợ phát triển du lịch.

Tại xã Hồng Quang, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ từ các dự án đã có thêm đòn bẩy để phát triển du lịch homestay. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, người dân đã đầu tư xây dựng, cải tạo khuôn viên homestay, cải tạo nhà vệ sinh, phòng nghỉ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Chị Húng Thị Luyến, là người dân tộc Pà Thẻn, chủ homestay tại thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang) cho biết, được hỗ trợ 80 triệu đồng từ năm ngoái, chị đã mua thêm chăn, gối, đệm để sẵn sàng phục vụ khách. Ngoài ra, chị cải tạo homestay để đáp ứng thêm các yêu cầu trải nghiệm của khách.

Trong khi đó, bà Húng Thị Tráng, dân tộc Pà Thẻn (thôn Thượng Minh), đã 74 tuổi thì được hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, giữ gìn nghề dệt truyền thống. Bà cho biết rất vui mừng khi nghề truyền thống được hỗ trợ để giữ lại cho các thế hệ sau này.
Theo thông tin từ Sở VHTTDL Tuyên Quang, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đến nay, nhiều người dân, hộ gia đình làm du lịch cộng đồng đã có thêm nguồn lực vươn lên phát triển du lịch bền vững.

Từ năm 2022 đến 2024, thực hiện Nghị quyết 09, đã hỗ trợ 74 tổ chức, 18 cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh với số tiền 6.771.939.000 đồng; hỗ trợ trên 4 tỷ đồng cho quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tại các gian hàng theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16.7.2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh để phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, sản phẩm OCOP cho trên 200 tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành tổ chức bảo tồn 2 lễ hội truyền thống: Tổ chức phục dựng, bảo tồn Lễ hội Gầu tào của người Mông, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên; Lễ hội giã cốm của dân tộc Tày, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Hoàn thành tổ chức 3 lớp tập huấn Bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; Tập huấn Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các luật tục, hương ước, quy ước, chuẩn mực đạo đức cho đồng bào dân tộc thiểu số; Tập huấn Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng chế biến món ăn; kỹ năng hướng dẫn phục vụ lưu trú; kỹ năng phục vụ khách du lịch.
2 chương trình nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một đã hoàn thành. Cùng với đó, đã nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình.
Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Quan làng của dân tộc Tày, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh phú, huyện Chiêm Hoá)…

Đại diện Sở VHTTDL Tuyên Quang cho biết, Sở đang tiếp tục triển khai xây dựng 3 nội dung xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số như bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững của dân tộc Mông (huyện Hàm Yên), dân tộc Nùng (huyện Yên Sơn), người Cao Lan ( huyện Sơn Dương).
Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (huyện Na Hang). Tiếp tục triển khai xây dựng 25 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian;
Triển khai hỗ trợ hoạt động cho 39 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng 5 mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch…

Với những tiềm năng và nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu.