Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình

QUỲNH VY

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 1265/QĐ-BVHTTDL tổ chức tập huấn về công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình.

Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình - ảnh 1

Nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số  ở Quảng Bình. Ảnh minh họa: T.L

Lớp tập huấn được Bộ VHTTDL phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình tổ chức trong Quý II/2024 tại thành phố Đồng Hới. 

Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Với s tham gia của 60 học viên là nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, cán bộ, công chức văn hóa cấp xã đang sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Các học viên sẽ được các nhà quản lý, chuyên gia, các nghệ nhân, người có uy tín cung cấp, phổ biến những kiến thức cơ bản về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và gia đình liên quan đến lĩnh vực văn hóa dân tộc.

Tham gia lớp tập huấn sẽ có thêm những kiến thức, giải pháp cụ thể để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cách thức triển khai và trách nhiệm của cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong công tác xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở làng, thôn, bản gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển bền vững.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu còn cung cấp cho các học viên về thực trạng, định hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng trong thời gian tới. 

Trong đó, chú trọng phát huy vai trò, tầm quan trọng của cán bộ công chức văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.