Những “chứng nhân văn hóa” giữa đại ngàn
VHO - Bình Định được biết đến là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Hrê, Chăm… Trong đời sống của họ, nhà sàn không đơn thuần là nơi ở mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh cách sống hài hòa với thiên nhiên cũng như bản sắc riêng biệt của từng dân tộc.

Ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão… nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn hiện diện như những “chứng nhân văn hóa” giữa đại ngàn.
Những căn nhà được dựng bằng gỗ, tre, nứa, mái lợp lá rừng tất cả đều tận dụng vật liệu sẵn có trong thiên nhiên. Kiến trúc nhà cao, thoáng giúp tránh thú dữ, ẩm ướt, đồng thời giữ ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, thể hiện sự thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Không gian bên trong được bố trí, phân chia rõ ràng từ nơi tiếp khách, khu sinh hoạt, bếp lửa và đặc biệt là gian thờ tổ tiên nơi linh thiêng nhất, thể hiện tín ngưỡng và lòng biết ơn cội nguồn.
Già làng Đinh Văn Thảo (65 tuổi) sinh sống tại làng Kà Bông, xã Canh Liên, huyện Vân Canh cho biết: “Nhà sàn là nơi gắn bó cả đời người Ba Na, mỗi căn nhà thường có hình chữ nhật dài chừng 10m, được nâng đỡ bởi 12 cột gỗ. Sàn nhà làm bằng tre, nứa hoặc lồ ô, còn vách thì trát đất trộn rơm hoặc đan bằng phên. Nhà ai khá giả thì lát bằng gỗ dầu, vừa bền vừa mát. Những chất liệu mộc mạc ấy không chỉ phản ánh sự gắn bó với rừng mà còn thể hiện tinh thần giữ gìn truyền thống lâu đời của người Ba Na. Nhà sàn không chỉ là nơi ở mà còn là nơi con cháu học tập tập tục, lễ nghĩa, lắng nghe tiếng cồng chiêng, cảm nhận mùi khói bếp nướng ngô và những ký ức gắn liền với tuổi thơ”.

Tuy nhiên, dưới tác động của đô thị hóa và lối sống hiện đại, nhiều người dân chuyển sang xây nhà kiên cố, dẫn đến việc nhà sàn truyền thống bị mai một dần.
Lớp trẻ có xu hướng rời bản làng đi làm ăn xa, ít quan tâm đến phong tục, tập quán cũ, khiến cho tri thức làm nhà, nghệ thuật chạm khắc và các nghi lễ gắn với nhà sàn dần bị lãng quên.
Nói về cái khó trong giữ gìn nét sinh hoạt tại nhà sàn của các dân tộc thiểu số, ông Đinh Y Nam, Phó Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Bình Định chia sẻ: “Bà con vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, nhiều hộ vẫn sống trong nhà sàn, đặc biệt là người già. Nhưng khó khăn lớn là lớp trẻ dần rời xa làng bản, kiến thức về dựng nhà, trang trí, nghi lễ... dần bị quên lãng. Ngoài ra, chi phí xây dựng và bảo trì nhà sàn bằng vật liệu tự nhiên hiện nay cũng khá cao”.
Theo ông Đinh Y Nam, để bảo tồn nhà sàn hiệu quả, cần phải bắt đầu từ giáo dục, dạy con cháu biết trân trọng nhà sàn từ sớm. Đồng thời, Nhà nước và địa phương cũng cần hỗ trợ vật liệu, kỹ thuật cho bà con phục dựng nhà truyền thống và quan trọng nữa là phát triển du lịch gắn với nhà sàn, để vừa gìn giữ văn hóa, vừa giúp bà con có sinh kế phát triển đời sống.
Nhà sàn không chỉ là một kiểu kiến trúc mà còn là linh hồn của cộng đồng người Ba Na, Hrê, Chăm.
“Bên cạnh vai trò là nơi sinh sống, nhà sàn còn là trung tâm của đời sống tinh thần, nơi gìn giữ nghi lễ, tiếng chiêng, điệu múa, lời kể sử thi… Việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà sàn chính là cách gìn giữ bản sắc văn hóa, nuôi dưỡng tình yêu cội nguồn cho thế hệ mai sau”, ông Đinh Y Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng gìn giữ giá trị nhà sàn, ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, chúng tôi luôn chú trọng công tác bảo tồn kiến trúc và văn hóa nhà sàn trong công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Huyện đang phối hợp chặt chẽ với các già làng, nghệ nhân để truyền dạy kỹ thuật dựng nhà sàn, chạm khắc hoa văn, tổ chức nghi lễ truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng gắn với nhà sàn để người dân có thu nhập từ chính giá trị văn hóa của mình.
“Không chỉ dừng lại ở hình thức bảo tồn hay trưng bày, chúng tôi đang nỗ lực đưa nét sinh hoạt nhà sàn gắn trong chương trình giáo dục của các trường học, tổ chức lễ hội thường niên và ứng dụng công nghệ truyền thông để lan tỏa nét đẹp sinh hoạt truyền thống này đến với giới trẻ gần hơn”, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định nhìn nhận, trong dòng chảy hội nhập, nếu biết kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thì nhà sàn của cộng đồng dân tộc thiểu số không chỉ là ký ức đẹp mà sẽ góp phần trong việc thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đồng thời như một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa Việt Nam.