Bình Định phát triển văn hoá, thao thể vùng DTTS và miền núi
VHO - Bình Định đang thúc đẩy, phát triển phong trào thể dục, thể thao ở khu vực DTTS nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào ở vùng miền núi.
Theo Sở VHTT Bình Định, phong trào thể dục, thể thao ở các đơn vị, địa phương khu vực miền núi và DTTS tiếp tục phát triển. Trong số đó, ngày hội Văn hóa - thể thao miền núi cấp tỉnh được duy trì tổ chức 2 năm 1 lần, luân phiên ở các huyện miền núi và các huyện có đồng bào DTTS, gắn với các hoạt động văn hóa - Thể thao phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS.
Là địa phương đăng cai tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII, ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Đây là lần thứ tư huyện Vân Canh vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS miền núi tỉnh Bình Định trên quê hương mình. Đây còn là cơ hội để đồng bào các DTTS suy ngẫm, tìm về cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc vốn phần nào đã bị mai một vì các lý do khác nhau.
"Trong quá trình giao lưu, đồng bào có dịp học hỏi để cùng nhau giữ gìn những bản sắc văn hóa, những tập quán tốt đẹp và bỏ đi những hủ tục lạc hậu, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi lần hội ngộ của lễ hội là một viên gạch xây nên bức tường thành vững chắc để bảo tồn, phát huy nét đẹp Văn hóa - Thể thao truyền thống cho hôm nay và mai sau" - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh chia sẻ.
Gần đây, tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện miền núi An Lão năm 2024 là một trong những hoạt động VHTTDL thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây còn là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tình đoàn kết giao lưu VHTTDL; học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa dồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn huyện; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển huyện nhà ngày càng giàu đẹp.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho rằng, thông qua Lễ hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện được khôi phục, bảo tồn, phát huy và nâng cao ở nhiều lĩnh vực như: các lễ hội dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, phong tục tập quán, cùng với những hoạt động VHTTDL.
Đến nay, các thiết chế nhà văn hóa - khu thể thao thôn, trung tâm văn hóa - thể thao xã theo quy định của Bộ VHTTDL được tỉnh Bình Định quan tâm xây dựng. Là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thiết chế văn hóa cơ sở đã tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Đó cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 180 nhà văn hóa thôn, khu phố, làng, trong đó có 69 nhà rông của người Ba Na và Chăm, 34 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Hrê. Tính đến nay, tỉnh Bình Định đã xây mới và nâng cấp 20 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn/làng vùng đồng bào DTTS, với kinh phí hơn 14 tỉ đồng; trang bị 46 trang thiết bị âm thanh, ti vi; 9 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các thôn/làng vùng đồng bào DTTS...
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: Việc duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống các DTTS luôn được quan tâm thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống các giải thể thao truyền thống của mỗi địa phương đã được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm; trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các môn thể thao như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền…
Cùng với việc tổ chức thi đấu thể thao ở cơ sở, nhiều giải thể thao thành tích cao, hội thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc cũng được tỉnh Bình Định tổ chức, tham gia, tiêu biểu như Đại hội Thể dục thể thao được tổ chức 4 năm/lần, Hội khỏe Phù Đổng 2 năm/lần, Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc khu vực II tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk… Qua hội thi các vận động viên người DTTS đều đạt thành tích cao ở các môn như: Bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, phóng lao. Hiện nay, các địa phương vùng đồng bào DTTS đã và đang từng bước xây dựng các thiết chế thể thao, sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện, giao lưu, thi đấu cho người dân.
Để tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào thể dục, thể thao vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian, ông Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá thể dục, thể thao nói chung, thiết chế văn hoá thể dục, thể thao ở thôn, làng, tổ dân phố, xã, thị trấn nói riêng phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn hiện nay.