Thể thao Việt Nam đạt mục tiêu:
Mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao
VHO - Được chờ đợi sẽ tạo bệ phóng vững chắc cho thể thao Việt Nam phát triển, Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phấn đấu mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ TDTT; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống.
Phấn đấu đạt 45% dân số tập luyện TDTT thường xuyên
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược đến năm 2030 là phong trào TDTT cho mọi người phát triển rộng khắp, trong đó số người tập luyện TDTT thường xuyên theo tiêu chí quy định đạt trên 45% dân số; trên 90% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; hầu hết đơn vị hành chính cấp xã cho đến địa bàn ở cơ sở (gọi chung là thôn, tổ dân phổ) và khu dân cư có câu lạc bộ thể thao cơ sở.
Phần lớn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao ở cấp quốc gia được nâng cấp, từng bước hiện đại hóa. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi) và 100% đơn vị hành chính cấp xã có thiết chế thể thao hoặc văn hóa, thể thao đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Hầu hết các thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế có ít nhất một thiết chế thể thao hoặc một điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng.
Định hướng đến năm 2045, Chiến lược đặt mục tiêu, phong trào TDTT phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.
Những mục tiêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở là thực trạng cũng như kết quả của hoạt động TDTT cho mọi người. Trong thời gian qua, toàn ngành tích cực chỉ đạo triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026; phối hợp với các địa phương tổ chức 18 giải thể thao quần chúng cấp quốc gia và 7 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cơ sở.
Hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Cục TDTT đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X tại Hải Phòng; phối hợp với Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức ký chương trình phối hợp về việc đẩy mạnh phong trào TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giai đoạn 2024-2028, tổ chức Hội thao Công đoàn Viên chức Việt Nam năm 2024; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước quy mô quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa; phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) triển khai tổ chức các hoạt động TDTT trong tổ chức Hội năm 2024; phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc thiểu số như: Đá lợn (Hà Giang), Lày cỏ (Cao Bằng), Đi cà kheo (Nghệ An) vàcác bài võ cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
Đẩy mạnh thể thao học đường
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, ngành sẽ phải tiến hành nhiều giải pháp tổng thể, toàn diện. Trong đó sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, lồng ghép hiệu quả với các chiến lược, chương trình, đề án, phong trào liên quan, hướng tới mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cá nhân. Mở rộng mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở, phát triển mạnh số lượng các câu lạc bộ thể thao, các điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng...
Được xác định là chân đế của thể thao quần chúng, thể thao học đường sẽ được đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Trước hết sẽ là việc đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Đồng thời tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ TDTT trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn.
“Để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, chúng ta cũng cần tiếp tục lồng ghép việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thường xuyên rà soát, đánh giá các chỉ số thể lực, tầm vóc của học sinh, sinh viên để có biện pháp can thiệp về thể thao, từng bước khắc phục tình trạng thừa cân, thấp còi, suy dinh dưỡng”, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Một công việc quan trọng nữa trong việc phát triển thể thao cho mọi người. Đó là nâng cao chất lượng phong trào “Cán bộ, chiến sĩ khỏe” và các hoạt động huấn luyện, thi đấu thể thao nghiệp vụ ứng dụng trong lực lượng vũ trang. Quy hoạch, tăng cường mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ. Phát triển các câu lạc bộ thể thao và nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo vận động viên trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam cũng cần thực hiện việc bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn.
Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh cũng cho biết, các hoạt động TDTT cho người khuyết tật sẽ được tăng cường; chú trọng đào tạo lực lượng vận động viên thể thao người khuyết tật tham dự các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế. Tạo điều kiện, hỗ trợ để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TDTT đa dạng, phù hợp cho người cao tuổi.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động thể dục phòng bệnh, chữa bệnh và thể thao quốc phòng trong nhân dân. Ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh phối hợp để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tổ chức các hoạt động TDTT tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá thể lực, thể chất và định kỳ tổ chức điều tra, đánh giá tình trạng thể chất của nhân dân.
Hy vọng với những nỗ lực từ ngành thể thao và các Bộ, ngành, địa phương cùng sự tham gia của toàn xã hội, những mục tiêu trên sẽ được thực hiện nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, như mong muốn của nền thể thao Cách mạng đặt ra.