Nhiều trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2.9

QUỲNH VY

VHO - Sáng 30.8, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã khai mạc hoạt động trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận," “Thiên nhiên Việt Nam và Thế giới," “Di sản văn hóa dân tộc Sán Chay," “Môi trường xanh - Tương lai bền vững” với nhiều hoạt động phong phú đậm bản sắc các dân tộc tạo điểm nhấn cho du khách trải nghiệm dịp lễ 2.9.

Nhiều trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2.9 - ảnh 1
Cắt băng khai mạc hoạt động trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Hoạt động do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận và cộng đồng người Sán Chay ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái phối hợp tổ chức.

Nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu liên quan đến đời sống văn hóa của tộc người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng, phản ánh văn hóa vật chất , nghề thủ công truyền thống của người Chăm như nghề dệt, nghề làm gốm, âm nhạc, trang phục, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè...

Các hoạt động trình diễn nghề dệt vải, nghề làm gốm của dân tộc Chăm do nghệ nhân đến từ tỉnh Ninh Thuận thực hiện thu hút sự quan tâm có người xem. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ninh Thuận trải qua hàng thế kỷ và được các thế hệ phụ nữ Chăm giữ gìn, phát triển bằng hình thức “mẹ truyền con nối”, nghề làm gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay và vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công thô sơ như từ ngàn năm trước.

Nhiều trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2.9 - ảnh 2
Tiết mục của CLB Sấng Cọ, xã Na Mao, huyện Đại Từ tại lễ khai mạc

Bên cạnh đó là không gian chuyên đề “Thiên nhiên Việt Nam và Thế giới” với những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về thế giới tự nhiên cùng một số hoạt động trải nghiệm giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử sự sống trên trái đất từ cổ sinh đến hiện tại, sự đa dạng, độc đáo của thế giới sinh vật cũng như tầm quan trọng của đa dạng sinh vật đối với thiên nhiên và con người...

Nhiều trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2.9 - ảnh 3
Trình diễn nghi lễ truyền thống dân tộc Sán Chay tại Bảo tàng

Khu vực trưng bày “Môi trường xanh - Tương lai bền vững," giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ môi trường của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2022 với mong muốn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới tương lai xanh và bền vững.

Và  không gian hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ thuật thủ công truyền thống như đan lát, nhuộm vải từ nguyên liệu tự nhiên, tạo ra sản phẩm từ rác thải nhựa…

Nhiều trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2.9 - ảnh 4
Tiết mục múa dân tộc Chăm tại lễ khai mạc

Điểm nhấn là khu vực trưng bày chuyên đề “Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại," người xem được tìm hiểu thực trạng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Sán Chay thông qua hoạt động trình diễn của người Sán Chay như Nghi lễ cầu mùa, văn nghệ dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian...

Các hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng gắn với phát triển du lịch, tạo nên sự đổi mới, hấp dẫn đối với công chúng tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Hoạt động trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ du khách  trong suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.