Nhân lên giá trị nghề dệt của người Mạ

THU MINH

VHO - Người Mạ ở Lâm Đồng sống tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên, người Mạ có các nghề thủ công truyền thống từ lâu đời để phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Chỉ với một bộ khung dệt tự chế đơn sơ, gọn nhẹ, người Mạ đã tạo nên nhiều sản phẩm thổ cẩm với những đường nét, họa tiết hoa văn rất sinh động.

 Nhân lên giá trị nghề dệt của người Mạ - ảnh 1
Trang phục truyền thống từ chất liệu thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng khoe sắc tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)

 Màu sắc được sử dụng nhiều trên thổ cẩm Mạ thường là các màu đỏ, đen, xanh, nâu, vàng, trắng. Nhưng màu trắng vẫn được sử dụng nhiều hơn cả. Khác với đa số các dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Mạ thường chọn màu trắng làm chủ đạo để tạo nền cho tấm thổ cẩm. Trong khi các dân tộc khác lại thiên về chọn những gam tối màu như xanh, đen để làm nền cho thổ cẩm. Vì vậy mà các họa tiết hoa văn của người Mạ được nổi bật và tươi sáng hơn. Nguyên liệu để tạo màu được lấy từ trong tự nhiên. Đó là các loại củ, quả và lá cây rừng như củ nghệ, củ nâu, lá cây tràm, cánh kiến và cả đá non có màu đỏ, vàng, than củi… tất cả đều được giã nhỏ hoặc mài bột ngâm để nhúng nhuộm sợi. Tỷ lệ pha chế tạo màu hoàn toàn theo kinh nghiệm và bí quyết của các nghệ nhân.

Để tạo hoa văn trên thổ cẩm, ngoài việc dùng những thanh công cụ nhỏ đẩy luồn sợi khi dệt, người phụ nữ Mạ còn khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải. Họ vừa dệt vừa thêu, dệt tới đâu thì thêu tới đấy. Trong quá trình dệt, người Mạ thêu họa tiết không cần dùng kim thêu, đây cũng là một nét độc đáo của người Mạ. Người phụ nữ Mạ thường dệt hoa văn không theo một đồ án định trước và khuôn mẫu nhất định (ngoài một số hoa văn hình học, hình kỷ hà, đường viền với các họa tiết lặp lại theo chu kỳ), mà phần nhiều là do ngẫu hứng với cảm quan của người dệt đối với sự vật, thế giới xung quanh theo cách nhìn, cách nghĩ của họ. Hoa văn trên thổ cẩm của người Mạ được tạo bởi dệt và thêu. Thường các hoa văn lặp đi lặp lại theo chu kỳ như dạng hình học, hình kỷ hà, đường viền… thì dùng kỹ thuật dệt; còn các hình người, cây cối, chim muông và các vật dụng phần lớn là dùng kỹ thuật thêu.

Đề tài, họa tiết trang trí trên thổ cẩm của người Mạ phổ biến là hoa văn hình học, hình kỷ hà, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ như cối, chày giã gạo, cây nêu, cầu thang nhà sàn, quả bầu, cây đa, con thằn lằn, con vượn, đường mòn, dấu chân loài vật, chiếc lược, chiếc ô, ngôi sao… Đặc biệt là các đề tài hoàn toàn ngẫu hứng bất chợt xuất hiện trong đầu như khi nhìn thấy con chuồn chuồn đang bay, hay một vật nào đó họ cũng có thể đưa vào trang trí trên tấm vải đang dệt của mình. Chính sự phong phú, đa dạng của màu sắc, đề tài trang trí đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho thổ cẩm của người Mạ cũng như trang phục của họ. Nó mang một sắc thái riêng không giống với các tộc người khác ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Bởi lẽ đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng vừa là nét văn hóa đặc sắc, vừa là sản phẩm mang tính hàng hóa, giúp người dân cải thiện đời sống vật chất. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mạ đang dần nhạt phai, hầu hết nghệ nhân dệt truyền thống đều lớn tuổi, trong khi đó người trẻ lại không mặn mà với nghề. Để lưu giữ nghề dệt truyền thống, nhiều năm qua Sở VHTTDL Lâm Đồng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, khuyến khích các bà, các mẹ dạy con cháu mình cách sử dụng khung cửi, dệt các đường nét hoa văn thổ cẩm ngay từ nhỏ để nghề dệt truyền thống không bị mai một. Trong đó, chú trọng đào tạo, dạy nghề dệt thổ cẩm để duy trì, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, cải thiện thu nhập cho bà con là giải pháp được địa phương thực hiện.

Nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và phát huy lợi thế về du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, xác định nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những nghề mũi nhọn, giúp nâng cao giá trị kinh tế và giúp quảng bá văn hóa của người dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong và ngoài nước. Sở VHTTDL Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 30 học viên dân tộc Mạ đang sinh sống tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm nhằm hỗ trợ, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch. Tham gia tập huấn, 30 học viên được các nghệ nhân uy tín, am hiểu và nắm giữ kỹ năng dệt, các già làng, người có uy tín truyền dạy nghề dệt thổ cẩm từ cách chọn nguyên vật liệu, dụng cụ dệt thổ cẩm, cách phối màu sắc, hoa văn, họa tiết đặc trưng của đồng bào Mạ. Qua lớp tập huấn, các học viên được nghệ nhân truyền dạy kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp như váy, áo, mền, địu em bé, túi đeo vai truyền thống, các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Việc Sở VHTTDL Lâm Đồng tổ chức bảo tồn, lưu truyền và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mạ, không chỉ góp phần phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng thu nhập cho người dân, từng bước khôi phục, lan tỏa nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc