Hòa Bình:

Người Dao Tiền ở Đà Bắc giữ nghề dệt truyền thống

NAM HƯNG

VHO - Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từ bao đời nay. Hiện, người Dao Tiền nơi đây vẫn giữ thói quen tự nhuộm, dệt cho mình những bộ trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.

Người Dao Tiền ở Đà Bắc giữ nghề dệt truyền thống - ảnh 1
Lớp truyền dạy là hoạt động thiết thực triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"

Ngày 11.10, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đà Bắc, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đà Bắc và UBND xã Cao Sơn tổ chức khai mạc lớp truyền dạy và thực hành nghề dệt thổ cẩm dân tộc Dao với sự tham gia của gần 50 học viên là người Dao Tiền đang sinh sống tại xã Cao Sơn, trong đó học viên nhiều tuổi nhất là 45 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi. 

Lớp truyền dạy giúp cộng đồng dân tộc Dao Tiền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành, truyền dạy cách thức, kỹ thuật và quy trình nghề làm trang phục truyền thống. 

Học viên tham gia lớp truyền dạy được những nghệ nhân am hiểu về nghề truyền thống hướng dẫn thực hành các bước trong quy trình dệt thổ cẩm từ lựa chọn các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu sợi, cách cầm kim thêu tạo hoa văn trên vải, đến cách chọn sáp ong, cầm bút vẽ hoa văn trên vải…

Đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Tại lễ khai mạc, bà Bàn Kim Quy, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh, nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từ bao đời nay. Người Dao Tiền nơi đây vẫn giữ thói quen tự nhuộm, dệt cho mình những bộ trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao Tiền ở Hoà Bình nói chung, nhóm Dao Tiền xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc nói riêng đã ý thức bảo tồn, duy trì nghề in sáp ong trên vải, thêu thổ cẩm và đưa nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế.

Nghề thêu, vẽ, nhuộm thổ cẩm của người Dao Tiền không chỉ đơn thuần là nghề truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là một loại hình du lịch trải nghiệm độc đáo đối với du khách, bởi họ có thể trực tiếp tham gia các công đoạn từ nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và mua những chiếc khăn, bộ trang phục, túi đeo làm quà lưu niệm.

Người Dao Tiền ở Đà Bắc giữ nghề dệt truyền thống - ảnh 2
Lớp truyền dạy có sự tham gia của gần 50 học viên là người Dao Tiền đang sinh sống tại xã Cao Sơn

Bà Bàn Kim Quy nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay nghề dệt vải khổ lớn đã mai một, chỉ còn lưu giữ lại một phần nhỏ là dệt đai truyền thống trên khung dệt nhỏ. Việc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức lớp truyền dạy và thực hành nghề dệt thổ cẩm dân tộc Dao Tiền tại xã Cao Sơn là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc.

Thông qua lớp truyền dạy, hy vọng đồng bào Dao Tiền sẽ phục dựng lại được nghề dệt, từng bước đưa nghề nhuộm, in hoa văn sáp ong phát triển ra cộng động, không chỉ giới hạn là trang phục trong sinh hoạt đời sống của bà con dân tộc Dao Tiền mà còn trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn du khách gần xa.

Người Dao Tiền ở Đà Bắc giữ nghề dệt truyền thống - ảnh 3
Học viên được các nghệ nhân am hiểu trực tiếp hướng dẫn thực hành các bước trong quy trình dệt thổ cẩm

Thời gian qua, UBND huyện Đà Bắc, các cơ quan chuyên môn đã có nhiều chương trình hỗ trợ để người dân phát huy, bảo tồn các nghề truyền thống của địa phương như dệt, nhuộm thổ cẩm, tăng cường đào tạo kỹ năng truyền thông giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thổ cẩm truyền thống tới người dân, du khách.

Đây cũng chính là nhịp cầu nối tiếp giữa các thế hệ dân tộc Dao Tiền xã Cao Sơntham gia  bảo tồn, gìn ginghề làm trang phục truyền thống, phát  huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan trong quá trình tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộcở Hoà Bình nói chung, người Dao Tiền ở Đà Bắc nói riêng.