Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn

THÀNH KHIÊM

VHO - Với mong muốn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chàng trai người K’Ho Lạch - Dagout Brice Liêm đã không ngừng nỗ lực để khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên đang ngày càng mai một theo thời gian. May mắn có mặt trong ngày tổ chức lễ cúng về nhà sàn mới của Dagout Brice Liêm, chúng tôi có dịp được hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống mà ngày nay không dễ được tìm thấy của cộng đồng người người K’Ho Lạch dưới chân núi Lang Biang huyền thoại…

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 1

Dagout Brice Liêm, người nặng lòng với việc bảo tồn văn hóa người K’Ho Lạch dưới chân núi Lang Biang 

Xây dựng ngôi nhà truyền thống để bảo tồn văn hóa

Nằm lưng chừng bên con dốc nhỏ tại thị trấn Lạc Dương (huyện lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), ngôi nhà của anh Dagout Brice Liêm (47 tuổi), người dân tộc K’Ho Lạch vừa mới được dựng lên trông vô cùng bắt mắt và khác biệt so với những căn nhà xung quanh, bởi đó là một ngôi nhà sàn dài, kiểu nhà gắn liền với kiến trúc nguyên thủy của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Theo anh Dagout Brice Liêm, xưa kia kiểu nhà sàn dài chính là loại kiến trúc truyền thống được tổ tiên người Lạch xây dựng để ở. Tuy nhiên, ngày nay do quá trình đan xen văn hóa cũng như sự xuất hiện của nhiều loại vật liệu có tính ưu việt hơn mà ngôi nhà truyền thống của người Lạch đã không còn nữa, thay vào đó là các ngôi nhà được xây dựng theo kiểu bê tông hóa.

“Là một người Lạch được sinh ra và lớn lên tại đây, lại được ăn học  nên khi nhìn thấy sự mai một đó diễn ra ngay trước mắt, bản thân tôi cảm thấy rất đau lòng. Chính vì thế, mà sau bao năm ấp ủ cùng với sự đồng tình của vợ, sự giúp đỡ của bạn bè và nhiều phía, vào đầu năm 2023 tôi đã bắt đầu tiến hành làm ngôi nhà này”, anh Dagout Brice Liêm chia sẻ.

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 2

Dagout Brice Liêm mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống của người K’Ho

Ý định là thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện công việc, anh và gia đình đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, từ những thiếu thốn về tài chính đến việc tìm kiếm nguyên vật liệu thi công. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao độ của mình, sau hơn một năm thi công thì cuối cùng ngôi nhà cũng được hoàn thành.

Các loại vật liệu từ thiên nhiên được anh tận dụng tối đa để xây dựng như tre, nứa, gỗ, mây, lá cây. Căn nhà có chiều dài 17m, rộng 7m gồm có 2 tầng đặc trưng như những căn nhà truyền thống trước đây của người K’Ho. Tầng dưới được sử dụng làm không gian bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, nơi sinh hoạt của những người làm việc tại ngôi nhà.

Đối với không gian chính bên trong của tầng trên được anh sử dụng làm nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Không gian này được bày trí bằng một cây nêu ở giữa cùng các loại nhạc cụ, dụng cụ của người K’Ho như chiêng, trống, đàn đá, gùi, thổ cẩm… Phần hiên rộng rãi bên ngoài của tầng này được dùng làm nơi phục vụ khách ngồi ăn uống cũng như có thể ngắm được cảnh quang đồi núi, nhà cửa, ruộng vườn của cộng đồng dân cư sống trong buôn làng.

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 3

Ngôi nhà sàn dài truyền thống của người K’Ho vừa được Dagout Brice Liêm hoàn thiện

Ngoài ra, bên cạnh ngôi nhà, anh còn thiết kế một con suối thác nhỏ với nước chảy róc rách. Để thêm sự gần gũi với thiên nhiên, tại không gian này còn được anh tiến hành trồng thêm một số cây, hoa cỏ...

Nơi chia sẻ những đam mê văn hóa truyền thống

Căn nhà sàn được Dagout Brice Liêm đặt tên Hội quán Bàng Yô. Theo giải thích của anh, từ “Bàng Yô” có nghĩa là ông bà tổ tiên và nếu hiểu rộng ra hơn thì đó cũng có nghĩa là cội nguồn. Với tên gọi này, bản thân anh mong muốn nhắc cho chính mình không được quên cội nguồn, đồng thời mong muốn ông bà tổ tiên sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho mình và buôn làng người Lạch dưới chân núi Lang Biang linh thiêng ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Trong ngày về nhà mới của mình, có rất nhiều lãnh đạo địa phương, những người làm công tác quản lý văn hóa, người uy tín trong buôn làng, nam nữ thanh niên yêu văn hóa và cả một số du khách gần xa đến chung vui và chúc mừng cho vợ chồng anh.

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 4

Đàn đá và những nhạc cụ truyền thống được anh bài trí bên trong ngôi nhà

Trước khi vào nhà mới, anh cũng không quên thực hiện lễ cúng vào nhà mới với các nghi thức truyền thống của tổ tiên để lại như hiến sinh, đánh chiêng, nổi lửa, khai ché rượu cần…Ngoài ra, anh còn mời các nghệ nhân về đây tái hiện lại một cách chân thực nghề đan chiếu cói của người K’Ho mà cho đến nay hầu như đã không còn ai làm nữa.

Là người trưởng thành từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở cách đây gần 30 năm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rồi sau đó trở thành biên đạo múa, tham gia ca hát, biểu diễn chuyên nghiệp, tổ chức sự kiện, hoạt động trong ngành du lịch và giờ về hoạt động tự do, Dagout Brrice Liêm hiểu rất rõ mình cần phải làm gì để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một của dân tộc mình.

Theo anh Dagout Brice Liêm, hiện dưới chân núi Lang Biang có rất nhiều những nhóm diễn tấu cồng chiêng được lập lên để phục vụ nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách lịch khi đến đây. Tuy nhiên, hầu như đấy chỉ đơn giản là một dạng dịch vụ mua vui lạ lẫm đối với nhiều người thôi chứ nó không mang tính chất sâu sắc để tìm hiểu về văn hóa truyền thống, văn hóa cội nguồn của dân tộc, của buôn làng.

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 5

Dagout Brice Liêm hy vọng du khách tìm về cội nguồn, bản sắc của người K’Ho

“Với tư cách là một người con của dân tộc K’Ho Lạch, lại được học hành bài bản, tôi không cảm thấy hoang mang và sợ hãi trước những xô bồ, xáo trộn, tạp nham của những nhóm giao lưu văn hóa cồng chiêng hiện nay. Vì vậy, thay vì chạy theo cách làm của những nhóm ấy, tôi sẽ có hướng đi, cách làm riêng của mình để làm sao có thể đưa được mọi người về đúng với những giá trị văn hóa của cội nguồn”, anh chia sẻ hướng đi trong tương lai của mình.

Chính vì thế, Dagout Brice Liêm không chỉ dừng lại ở việc dựng một căn nhà truyền thống không thôi mà trong thời gian tới anh sẽ biến nơi đây thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng trong buôn làng cũng như những người có như cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống K’Ho từ nơi khác đến.

Ngoài ra, những ai khi đến đây, còn có thể thưởng thức các món ăn truyền thống của người đồng bào bản địa như cà đắng da trâu, cam lam, rau rừng, cá suối…

Bên cạnh đó, còn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn ngọn núi Lang Biang hùng vĩ và linh thiêng cùng những nếp nhà, vườn rau, hoa của người dân trong vùng. Qua đó, sẽ cảm nhận và hình dung rõ nét mảnh đất thiêng của cộng đồng người K’Ho nói chung và người Lạch nói riêng đang ngày càng “thay da đổi thịt”.

Người con K’Ho Lạch nặng lòng với văn hóa cội nguồn - ảnh 6

Không gian này được bày trí bằng một cây nêu ở giữa cùng các loại nhạc cụ, dụng cụ của người K’Ho như chiêng, trống, đàn đá, gùi, thổ cẩm…

Có mặt tại buổi lễ về nhà mới của anh Dagout Brice Liêm, ông Trần Thành Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Chính sự nỗ lực của Dagout Brice Liêm đã tạo ra cảm hứng rất tuyệt vời. Đây là ngôi nhà hợp duyên của nhiều tình cảm và sự nỗ lực của Dagout Brice Liêm. Tôi rất mong trong tương lai sẽ có thêm nhiều ngôi nhà như thế tại đây để dấy lên phong trào đưa cội nguồn của tổ tiên về với buôn làng. Đây là cách mà chúng ta tri ân ông bà tổ tiên, ông bà tổ tiên sống mãi bằng cây nêu, nhà sàn, bếp lửa và những giai điệu cồng chiêng”.

“Lang Biang chính là cái phông của Đà Lạt, là mạch nguồn của Đà Lạt, nếu không có Lang Biang thì sẽ không có Đà Lạt và Đà Lạt đang tựa vào cái nôi văn hóa của Lang Biang. Chính vì thế, ngày nay người ta đến Lang Biang không phải để đi tìm rau, hoa, cũng không phải để leo núi bởi vì những thứ đó ở đâu cũng có, mà người ta đến đây là tìm về cội nguồn, tìm bản sắc của người K’Ho, tìm đến sự hấp dẫn của tiếng cồng, tiếng chiêng, của những điệu múa xoang. Hy vọng, trong tương lai đây sẽ là địa chỉ vàng cho những ai có đam mê mà muốn tìm hiểu về văn hóa K’Ho”, ông Hoài kỳ vọng.