Từ người gìn giữ văn hóa thành chủ thể làm du lịch
VHO - Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Cà Mau (cũ) được triển khai như một sự thúc đẩy phát triển du lịch từ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Dự án 6 và nguồn vốn của địa phương, nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa ở tỉnh Cà Mau (cũ) được thực hiện đồng bộ như: Xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, tổ chức lễ hội, phục dựng nghệ thuật truyền thống, truyền dạy nhạc ngũ âm; hỗ trợ nghệ nhân, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân…
Giai đoạn 2022-2024, Sở VHTTDL được UBND tỉnh cấp nguồn vốn 9.756 triệu đồng. Tính đến ngày 31.1.2025, đã thực hiện giải ngân được đạt gần 93% kế hoạch vốn. Cụ thể, Sở đã thực hiện hoàn thành trùng tu, tôn tạo 2 điểm chùa Nam tông Khmer (chùa Tam Hiệp và chùa Đầu Nai); hỗ trợ, sửa chữa 1 chiếc ghe Ngo; tổ chức 4 lớp tập huấn, đào tạo, truyền nghề loại hình nghệ thuật Nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer tại các điểm chùa; phục dựng 2 Lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer; tổ chức 15 cuộc trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép với chương trình nghệ thuật của đơn vị trong các đợt lưu diễn và biểu diễn tại các trường dân tộc nội trú; hỗ trợ 4 bộ ngũ âm cho 4 điểm chùa và hỗ trợ các thiết bị văn hóa khác cho vùng dân tộc thiểu số.
Cũng trong giai đoạn này, Sở Dân tộc và Tôn giáo được giao nguồn vốn 6.729 triệu đồng, đơn vị đã thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 10 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trụ sở sinh hoạt văn hóa thuộc các ấp đặc biệt khó khăn, các ấp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; triển khai đầu tư xây dựng mới 2 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Theo đánh giá của Sở Dân tộc và Tôn giáo, các lớp đào tạo về chế biến món ăn truyền thống, kỹ năng phục vụ du khách, hướng dẫn tour… được tổ chức giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer có thêm cơ hội chuyển mình từ người gìn giữ văn hóa thành chủ thể làm du lịch. Quan trọng hơn, dự án đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng và hình thành nền tảng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại các địa phương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, cũng là cơ hội tạo việc làm cho đồng bào tại địa phương.
Từ thực tế triển khai Dự án 6 tại Cà Mau, bài học lớn nhất là phải đặt đồng bào các dân tộc thiểu số vào trung tâm. Cộng đồng không chỉ là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng mà chính là chủ thể gìn giữ và phát huy văn hóa được lưu truyền.

Theo Đại đức Phạm Minh Thắng, Trụ trì chùa Tam Hiệp, một trong hai điểm chùa Nam tông Khmer được trùng tu, tôn tạo theo nguồn vốn Dự án 6 cho biết: “Chùa Tam Hiệp được đầu tư trùng tu, mở rộng nhiều hạng mục, không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của phật tử, đồng bào dân tộc Khmer nơi đây, mà còn xây dựng điểm đến cho du khách mỗi khi đến địa phương. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, cùng chính quyền địa phương và đóng góp của đồng bào phật tử tạo nên tài sản có giá trị văn hóa của cộng đồng. Chính vì thế không ai hết, chính đồng bào phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp cho cộng đồng”.
Trong dòng chảy hội nhập và phát triển, việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội quý báu để thúc đẩy du lịch cộng đồng, một hướng đi bền vững.