Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

THANH SÁNG

VHO - Ngày 15.5, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước.

Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2

Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại TP.HCM  Nguyễn Hữu Đạt và đại diện Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước trao  chứng nhận Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Dự lễ công bố có ông Nguyễn Hữu Đạt, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại TP.HCM, lãnh đạo Bảo tàng các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, cùng các nghệ nhân trong tỉnh Bình Phước.

Tại Lễ công bố, thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại TP.HCM  Nguyễn Hữu Đạt và đại diện Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước đã trao quyết Quyết định và Giấy chứng nhận nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi cho 4 đơn vị: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản và Lộc Ninh. Đồng thời trao Quyết định và Giấy chứng nhận nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm cho 4 đơn vị: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản và Phú Riềng.

Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm người S’tiêng là những nét văn hóa tiêu biểu của người S’tiêng, việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh nghề truyền thống và các chủ thể di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3

Nghề đan gùi của người S’tiêng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Theo Ban tổ chức, việc tổ chức lễ công bố là dịp tôn vinh các chủ thể di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của chủ thể di sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh: Nghề dệt thổ cẩm và Nghề đan gùi của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đặc biệt là sự tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người S’tiêng đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị đối với Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm.

Nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của người S’tiêng là nghề thủ công truyền thống được tích lũy, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của người nghệ nhân S’tiêng. Gùi của người S’tiêng được đan từ cây lồ ô, trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là chọn cây lồ ô: cây thẳng, lóng dài, không được non và không được già quá. Khi đã chọn được cây lồ ô vừa ý, thì dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng theo kích cỡ mong muốn, rồi vót trơn bề mặt mỗi nan và tẩm màu cho nan nhằm tạo hoa văn theo ý muốn rồi đan gùi. Cách thức cho ra một chiếc gùi, phải đan phần đáy trước, sau đó mới làm khung để đan thân gùi đến miệng, đan xong chiếc gùi được đưa lên gác bếp nhằm tăng độ bền.

Để tạo ra các sản phẩm gùi và thổ cẩm, người nghệ nhân phải có năng khiếu, có kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật, bên cạnh đó, phải biết nhận diện và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, cũng như kỹ thuật tạo hình hoa văn. Những kỹ thuật, tri thức này còn thể hiện sự ghi nhớ, chắt lọc, sáng tạo và tích lũy qua thời gian để tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng có của người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng do phụ nữ làm. Để làm được một tấm thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn phức tạp, trong đó, dệt là công đoạn quan trọng nhất. Khi dệt tấm thổ cẩm, khung được cột chắc vào thân người dệt, lúc này chân – lưng – tay thợ dệt phối hợp nhịp nhàng và trên tấm vải thổ cẩm của người S’tiêng rất xem trọng những hoa văn trang trí, như: hình người, chim, thú, hoa lá...

Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4

Hoa văn trang trí hình đầu gà trên quai gùi của người S’tiêng

Các sản phẩm thổ cẩm cũng như gùi của người S’tiêng Bình Phước ngoài được sử dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống thường nhật, còn là sản phẩm được sử dụng làm vật trao tặng nhằm thể hiện tình cảm quý trọng, thiêng liêng giữa các thế hệ, gắn kết trong đời sống xã hội của đồng bào S’tiêng.

Với giá trị tiêu biểu đó, Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 479/QĐ-BVHTTDL ngày 6.3.2023 và Quyết định số 375/QĐ-BVHTTDL ngày 21.2.2024.

Việc Nghề dệt thổ cẩm và Nghề đan gùi của người S’tiêng tỉnh Bình Phước được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các nghệ nhân và cộng đồng người S’tiêng đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị đối với những nghề truyền thống này.

Như vậy, đến nay tỉnh Bình Phước có 7 di sản được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Miếu Bà Rá ở thị xã Phước Long; Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội cầu bông của người Kinh huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long; Nghề dệt thổ cẩm của người Mơ Nông và nghề đan gùi của người S’tiêng huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng.

Bình Phước được biết đến là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc S’tiêng có tỷ lệ đông thứ hai hiện nay của tỉnh, với gần 97.000 người, sinh sống tại 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Với quy mô dân số trên và lịch sử cư trú lâu đời, cộng đồng người S’tiêng đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.