Sơn La:

Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

QUỲNH VY - NGUYỄN OANH

VHO - Sáng 5.6, Sở VHTTDL Sơn La đã khai mạc lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở.

Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số - ảnh 1

Lớp tập huấn có sự tham gia của 127 học viên là cán bộ văn hóa tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Sơn La

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, xác định rõ vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn hóa. Bộ máy quản lý văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, bổ sung giúp cho việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung phong trào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú.

 Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu thực hiện hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn Sơn La.  Từ ngày 4- 8.6, Sở VHTTDL Sơn La phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số( Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 127 học viên là cán bộ văn hóa tại các xã, phường, thị trấn, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Bảo tàng tỉnh Sơn La. 

 Tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ tập trung phổ biến kiến thức về công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số găn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. 

 Bên cạnh đó, các học viên được trao đổi, học tập và thực tế các mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh về công tác bảo tồn, gìn giữ và  phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Ông Phạm Hồng Thu cho biết thêm, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” ….

 Cùng với đó, các đơn vị, địa phương đã tiến hành tổ chức kiểm kê di sản văn hóa của 9 dân tộc trên địa bàn để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc. Nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 16 di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Các đội văn nghệ quần chúng đã xây dựng và phát triển từ năm 1992 đến nay thường xuyên duy trì hoạt động cho 2.284 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu.

 Hiện, Sơn La có 3 nghệ nhân đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, 2 Nghệ nhân Nhân dân và 34 Nghệ nhân Ưu tú thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 

 Tỉnh Sơn La cũng đang phối hợp với Viện Âm nhạc và các địa phương Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk và Hà Nội tổ chức sưu tầm, phục dựng xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường để trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. 

Từ những kết quả nêu trên cho thấy vai trò đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở là rất quan trọng, do đó, sau khi tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ nắm vững các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách phát luật của nhà nước về công tác dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào các dân tộc để tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch Sơn La.