Lào Cai có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Bộ VHTTDL vừa đưa 2 di sản "Tết cơm mới của người Xá Phó" ở một số xã thuộc huyện Văn Bàn cũ và "Tri thức dân gian chế biến cá nướng, vịt bầu lam và rượu men lá của người Tày" xã Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tết mừng cơm mới (Dạ sợ da) của người Xá Phó ở các xã Sơn Thủy, xã Chiềng Ken, xã Dương Quỳ, xã Nậm Dạng, xã Võ Lao (thuộc huyện Văn Bàn cũ) là một lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Xá Phó, được tổ chức từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hàng năm tại mỗi gia đình với sự tham dự của các thành viên trong dòng họ, cộng đồng.
Đây là hoạt động cuối cùng của quá trình canh tác, là thời điểm các hộ gia đình thu hoạch thành quả của mình với nhiều nghi lễ có ý nghĩa đặc biệt, đó là nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm canh tác, một mùa vụ mới vào năm sau. Là dịp để người Xá Phó tạ ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho một mùa màng bội thu, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết và cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn.
Sau nghi lễ là phần hội hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đến xem và tham gia múa Xòe kết hợp với kèn ma nhí, thổi sáo cúc kẹ, hát dân ca Xá Phó và các trò chơi dân gian như đánh yến, đi cà kheo, đánh quay, tung còn, kéo co …

Văn hóa ẩm thực của người Tày xã Nghĩa Đô có bề dày truyền thống, đa dạng, phong phú, với nhiều món ăn, thức uống độc đáo và thú vị. Thưởng thức món thịt vịt bầu lam ống nứa, bạn sẽ cảm nhận được dư vị đậm đà và có cảm giác lạ miệng, thịt vịt giòn, mềm, thơm và rất ngọt. Cá nướng hai lửa là món ngon khó quên trong mâm cơm của đồng bào Tày.
Để có những mẻ cá nướng thơm ngon, đồng bào Tày xã Nghĩa Đô thường chọn nguyên liệu là cá tự nhiên từ sông, suối, ao, dùng que tre nhỏ, vót nhọn một đầu xiên dọc miếng cá để tạo bề mặt thẳng cho miếng cá sau đó dùng nẹp tre kẹp các xiên cá thành một kẹp cá lớn để nướng.
Rượu men lá của người Tày ở xã Nghĩa Đô là một loại rượu truyền thống, được làm từ gạo hoặc ngô, khoai, sắn kết hợp với men lá rừng, tạo nên hương vị đặc trưng và êm dịu.
Cùng với "Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí" Mường Khương và "Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô" mới được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 4.2025.
Đến nay, tỉnh Lào Cai có 56 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể.
Các di sản văn hóa phi vật thể không chỉ phong phú về loại hình mà còn đặc sắc tiêu biểu về các giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử đang trở thành nguồn lực quý giá để phát triển du lịch văn hóa, kinh tế -xã hội trên địa bàn Lào Cai.