Lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong cuộc sống đương đại

QUỲNH VY

VHO - Ngày 16.10, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tổ chức bế mạc chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo Dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong cuộc sống đương đại - ảnh 1
Chương trình góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Thu Hằng

Ông Nguyễn Cảnh Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, tiếp nối thành công các chương trình về bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc năm 2023, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tiếp tục được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi năm 2024. 

Trong thời gian từ ngày 9 - 15.10, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn, UBND xã Bình Trung tổ chức chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) tại thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn nhằm thiết thực triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. 

Lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong cuộc sống đương đại - ảnh 2
Các học viên đã tiếp cận, nắm bắt và thực hành nhuần nhuyễn các làn điệu Páo Dung. Ảnh: Thu Hằng

Thông qua chương trình, các nghệ nhân có dịp trao truyền ngôn ngữ, giáo dục truyền thống thông qua lời ca, tiếng hát, bí quyết, kỹ thuật và kinh nghiệm trong nghề thủ công truyền thống tới thế hệ trẻ để văn hoá truyền thống được lưu giữ, thực hành và phát huy trong đời sống của cộng đồng người Dao nơi đây.

 

Hát Páo Dung ra đời từ trong lao động sản xuất và nhu cầu đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao ở Chợ Đồn. 

Năm 2020, hát Páo Dung của dân tộc Dao đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Lớp trao truyền với sự tham gia của nghệ nhân, người có uy tín am hiểu hiểu hát Páo Dung và thêu thùa truyền thống và 40 học viên tham gia lớp trao truyền, trong đó có 17 học viên nam, 23 học viên nữ là người dân trên địa bàn của xã Bình Trung, các em học sinh trường THCS và THPT xã Bình Trung. Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 50 tuổi, nhỏ nhất là 10 tuổi.

Các học viên được các nghệ nhân, người am hiểu nghệ thuật dân gian truyền thống dân tộc Dao Tiền truyền dạy, tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung, ý nghĩa,hướng dẫn thực hành các làn điệu Páo Dung và nghệ thuật thêu truyền thống của dân tộc như thêu và in hoa sáp ong trên váy, khăn, áo, xà cạp...

Lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong cuộc sống đương đại - ảnh 3
Các học viên, nhất là các em học sinh đã được các bà, các chị dạy từng đường kim, mũi chỉ giúp tự tay thêu cho mình những tấm vải đẹp. Ảnh: Thu Hằng

Mặc dù các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với nghệ thuật hát Páo Dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền).

Dân tộc Dao có 9 ngành Dao gồm Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài. Một trong những điểm khác biệt để nhận biết các ngành Dao chính là ở bộ trang phục truyền thống.

Với sự nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân, nhiều học viên đã tiếp cận, nắm bắt và thực hành nhuần nhuyễn các làn điệu Páo Dung. Các học viên, nhất là các em học sinh đã được các bà, các chị dạy từng đường kim, mũi chỉ giúp tự tay thêu cho mình những tấm vải đẹp. Hầu hết các học viên tham gia đều đã thuộc và có thể trình diễn, thực hành với niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Cảnh Phương nhấn mạnh, chương trình nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Bình Trung đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng. Là cơ hội trao truyền và thực hành văn hoá truyền thống thông qua hát Páo Dung và thêu và in hoa sáp ong luôn được thường xuyên và liên tục giữa các thế hệ của người Dao Tiền nơi đây.

Mong rằng sau chương trình này, các nghệ nhân tiếp tục trao truyền, tiếp lửa cho các thể hệ trẻ, các học viên tiếp tục thực hành hát, thêu và in sáp ong để góp phần lưu giữ các giá trị di sản của dân tộc Dao nói chung, hát Páo Dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Bình Trung nói riêng hướng tới mục tiêu giữ gìn và duy trì thực hành di sản góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Daotrong cuộc sống đương đại.