Khai mạc Lễ Cúng trăng của người Khmer

NGUYỄN VĂN DŨNG

VHO - Tối 14.11 (nhằm 14 tháng 10 âm lịch), tại khuôn viên Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia chùa Khleang, TP Sóc Trăng, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp BQT chùa Khleang, khai mạc Lễ Oóc Om Bóc (Lễ Cúng trăng) của người Khmer Sóc Trăng theo nghi thức truyền thống.

Khai mạc Lễ Cúng trăng của người Khmer - ảnh 1
Các vị Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức, Achar thực hiện nghi thức cúng trăng

Lễ Cúng trăng gắn với Hội đua ghe Ngo truyền thống của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Đây là sự phản ánh về khát vọng cuộc sống bình an, phồn thịnh thông qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng, thể hiện sự gắn bó mật thiết của con người với môi trường tự nhiên, là sự bày tỏ lòng tri ân và cầu xin thần linh tha thứ về những việc làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Phát biểu khai mạc, ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết, Lễ Cúng trăng năm nay nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần VHTTDL Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.

Sự kiện vừa tạo không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, vừa tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền, gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiếu số.

Bên cạnh đó, Lễ Cúng trăng tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thu hút khách tham quan du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Khai mạc Lễ Cúng trăng của người Khmer - ảnh 2
Achar đút cốm dẹp cho các em học sinh

Theo chia sẻ của Achar Sơn Lên, Lễ Cúng trăng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, thể hiện khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên.

Ngoài ra, Lễ Cúng trăng còn có ý nghĩa tâm linh được thể hiện qua các vật cúng và vật trang trí.

Theo đó, 2 cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho "Vành đai vũ trụ"; chiếc bàn tượng trưng cho "Trái đất"; 2 cây mía tượng trưng cho "sự sinh sôi, nảy nở"; 3 cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho 3 mùa trong năm "nắng, mát, mưa";

Bên cạnh đó, 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho "12 tháng trong năm và 12 con giáp"; 7 trái cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho "7 ngày trong tuần"; 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho "tháng đủ"; 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho "tháng thiếu" và một số bánh kẹo, khoai củ, cốm dẹp,… 

Các vật phẩm được cúng dâng nhằm tưởng nhớ đến công ơn thần Mặt trăng vốn được người Khmer coi là thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho con người làm ăn phát đạt trong năm mới.

Ông Trần Văn Út, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, việc tổ chức Lễ Cúng trăng gắn liền với Hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng, là sự kiện tổ chức hằng năm được nhân dân và du khách yêu thích.

Khai mạc Lễ Cúng trăng của người Khmer - ảnh 3
Trình diễn quết cốm dẹp

Hoạt động không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách.

Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội ở địa phương. 

Sau nghi lễ Cúng trăng, các học sinh và thiếu nhi được các Achar đút cốm dẹp với những ước nguyện cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Đồng thời, chương trình diễn ra các hoạt động trình diễn quết cốm dẹp của các nghệ nhân làng nghề quết cốm dẹp truyền thống xã Phú Tân và trình diễn làm bánh Pía thủ công truyền thống của người Hoa xã Phú Tâm, huyện Châu Thành để nhân dân và du khách tham quan, trải nghiệm.