Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thực hiện chương trình MTQG:

Gìn giữ để bản sắc không “rời làng”

PHAN HIẾU

VHO - Thời gian qua, những người có uy tín, già làng, trưởng bản ở Bình Định đã đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc đoàn kết cộng đồng, thúc đẩy người dân tham gia thực hiện thành công các dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719).

Gìn giữ để bản sắc không “rời làng” - ảnh 1
Già Đinh Văn Thảo (làng Kà Bông, xã Canh Liên) đi đầu trong công tác sưu tầm, bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Ba Na

Đặc biệt, Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã thu hút sự tham gia tích cực của các già làng, người có uy tín…

 Gương mẫu thực hiện và khuyến khích con cháu noi theo

Nhiều năm qua, ông Thanh Kim Lĩnh, 70 tuổi (dân tộc Chăm) luôn là người có uy tín của làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh.

Không chỉ đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án, ông Lĩnh còn là người đi đầu trong các phong trào của Chương trình MTQG 1719; đóng góp nổi bật của ông là vận động người dân hiến đất để xây dựng đường giao thông, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của làng.

Tuyến đường từ làng Canh Thành dẫn vào khu sản xuất chân đồi Đại Hàn (Suối Beo) đã bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho người dân trong mùa mưa. Nhờ sự vận động của ông Lĩnh và Ban Quản lý làng, UBND xã đã triển khai dự án đổ bê tông hơn 450m đường với tổng mức đầu tư 815 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG. Ông Lĩnh cũng đã thuyết phục được 8 hộ dân tự nguyện hiến 1.584m² đất và hàng trăm cây trồng để xây dựng con đường này mà không yêu cầu đền bù, giúp bà con nhận thấy lợi ích lâu dài và đồng thuận tham gia.

Tại làng Kà Bông, xã Canh Liên - nơi được coi là “cổng trời” của huyện Vân Canh, già làng Đinh Văn Thảo, 64 tuổi (dân tộc Ba Na) luôn nỗ lực sưu tầm và bảo tồn các nhạc cụ và vật dụng truyền thống.

Ông Thảo gương mẫu thực hiện và khuyến khích con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, coi đó là di sản quý giá của cộng đồng. Những nỗ lực của ông đã góp phần tạo nền tảng cho việc phát triển du lịch văn hóa tại địa phương, phù hợp với mục tiêu của Dự án số 6.

Sự tham gia và đóng góp tích cực của các già làng, người có uy tín như ông Lĩnh và ông Thảo không chỉ giúp thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG mà còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Định.

Gìn giữ để bản sắc không “rời làng” - ảnh 2
Các già làng, người có uy tín tại tỉnh Bình Định luôn nêu gương, bảo tồn văn hóa cồng chiêng để các thế hệ trẻ học tập, noi theo

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 những năm qua đã và đang tạo động lực quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở Bình Định ngày càng lan tỏa và đi vào thực chất.

Ngồi trong ngôi nhà sàn, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá của đồng bào Ba Na, già làng Đinh Văn Thảo chia sẻ với Văn Hóa về niềm đam mê nhạc cụ và các vật dụng truyền thống. Từ thời trai trẻ, ông đã bỏ công sưu tầm và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Ông cho biết: “Bao nhiêu tiền kiếm được tôi đều dành dụm, và hễ nghe gia đình nào muốn sang nhượng lại đồ là tôi đều tìm cách mua lại. Tôi luôn dặn dò con cháu phải bảo tồn những báu vật này, không để chúng rời làng để các thế hệ sau vẫn còn biết đến văn hóa và bản sắc của mình”.

Sự tận tâm của già làng Đinh Văn Thảo không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Ba Na mà còn phù hợp với mục tiêu của Dự án số 6, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tại thôn M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, ông Y Khoa, 69 tuổi (dân tộc Ba Na), là người có uy tín tích cực trong vận động bà con tham gia thực hiện Dự án số 6.

Ông cho rằng, văn hóa truyền thống là linh hồn của dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy để con cháu đời sau thấm nhuần và tự hào. Ông chia sẻ: “Để văn hóa truyền thống được lưu truyền mãi mãi, các già làng và người có uy tín phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động con cháu.

Những ai biết phải trực tiếp hướng dẫn người chưa biết, từ đó giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”. Sự nhiệt tình của ông Y Khoa đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các già làng, người có uy tín trong việc thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Theo ông, huyện thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới về chương trình và các kỹ năng tuyên truyền cho người có uy tín để họ có thể thuyết phục, vận động nhân dân một cách hiệu quả.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương phát huy vai trò của người có uy tín, già làng trong việc kêu gọi bà con chung tay thực hiện các dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão thông tin.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Hiện có 21 xã trong tỉnh đang thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các già làng, người có uy tín đã đóng góp tích cực vào việc lan tỏa nội dung của chương trình.

“Khi chúng tôi và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, người có uy tín đều tham gia, tiếp thu và truyền tải lại thông điệp đến bà con, giúp dự án có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn”, ông Lung chia sẻ.