Đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường Phú Thọ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

NGỌC THUỶ

VHO - Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường huyện Tân Sơn, được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường, đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường Phú Thọ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - ảnh 1
Nghề dệt thổ cẩm của người Mường Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thuỳ Phương

Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện và chiếm 29,52% dân tộc Mường trong toàn tỉnh.

Đồng bào Mường tại Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó nổi bật nghề truyền thống dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mường.

Theo các cụ già kể lại: Ngày trước, con gái Mường lên bảy, lên tám đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi, mười ba mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi để dệt thành những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc phục vụ cho việc may chăn đệm chuẩn bị cho việc lấy chồng.

Con gái Mường khi đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn đó là chăn, màn, gối, đệm tự tay mình dệt nên. Theo tục lên với người Mường, một côgái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng bao gồm: Ông bà nội ngoại (nếu còn), bố mẹ chồng, anh chị em chồng mỗi người phải có một bộ đủ chăn, màn, đệm, gối. Phong tục đó vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường huyện Tân Sơn, được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường. Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm người Mường có màu sáng tươi sáng, họa tiết gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá. Các công đoạn của việc trồng bông, cán bông, kéo sợi và dệt cũng như chất liệu, hoa văn, bí quyết phối màu hay màu nhuộm đều được truyền lại từ thời xưa. Màu sắc của chỉ, sợi dệt được làm hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh những hoa văn cổ, ngày nay, bà con còn sáng tạo những hoa văn mới lạ giúp sản phẩm ngày càng phong phú, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường Phú Thọ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - ảnh 2
Nghệ nhân Phùng Thị Dổi (bên trái) truyền dạy cho các học viên tại xã Kim Thượng. Ảnh: Vy An

Trước đó, từ ngày 18.10 – 26.11.2023, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường hai xã Kim Thượng và Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Với thời gian 40 ngày, lớp do các nghệ nhân cao niên người Mường người trực tiếp truyền dạy. Thông qua các lớp truyền dạy, 100% học viên của 2 xã đã có thể thực hiện kỹ năng dệt và tất cả kỹ năng trong quá trình để làm lên sản phẩm nghề dệt thổ cẩm.

Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Lớp truyền dạy nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một; đồng thời nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Được biết, để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc Mường, UBND huyện Tân Sơn đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đến công chúng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 2322/QĐ-VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc