Quảng Ngãi:

Đồng bào Cadong phát triển kinh tế từ cây chuối mốc

NHƯ ĐỒNG

VHO – Huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) là thủ phủ trồng chuối mốc, hiện cây trồng này đã hình thành được những vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới và cho năng suất, chất lượng cao.

Đồng bào Cadong phát triển kinh tế từ cây chuối mốc - ảnh 1
Chuối mốc được Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua thu mua

Từ đầu năm 2024 đến nay, tất cả chuối mốc ở huyện Sơn Tây đều được Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) thu mua để chế biến thành các sản phẩm như: Rượu chuối, chuối sấy dẻo, giấm chuối, mật chuối,...

Theo bà Lê Thị Ánh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua, trước đây cây chuối chỉ được xem là cây trồng phụ, không được nhiều nông dân chú trọng, chăm sóc bởi đầu ra không ổn định, có thời điểm giá chuối quá thấp, bán chẳng ai mua.

“Nhận thấy Sơn Tây là vùng đất thích hợp để cây chuối phát triển, nhưng chuối của bà con làm ra không có người thu mua. Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chuối với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Lúc đầu, nhà máy còn trong quá trình vận hành thử nên việc thu mua nguyên liệu bị gián đoạn, tuy nhiên hiện nay khi đã hoạt động ổn định, nhà máy bắt đầu tăng cường thu mua với sản lượng bình quân mỗi ngày khoảng 5 tấn”, bà Ánh cho biết.

Đồng bào Cadong phát triển kinh tế từ cây chuối mốc - ảnh 2
Chế biến thành phẩm từ chuối mốc

Chuối mốc là loại cây dễ trồng, ít vốn, ít tốn công chăm sóc và phân bón. Chuối mốc thường cho thu hoạch sau khi trồng từ 9-12 tháng, mỗi buồng chuối ngự chỉ có từ 5 - 8 nải, thời gian thu hoạch gối vụ rất nhanh và cho thu hoạch thường xuyên. Chuối mốc cũng dễ nhân giống nên bà con có thể tự nhân giống, chỉ mất một lần chi phí đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể thu hoạch trong nhiều năm nếu biết cách chăm sóc.

Trước kia, bà con đồng bào Cadong trồng chuối để phục vụ nhu cầu ăn uống trong gia đình. Lúc nhiều thì mang bán lẻ tại các chợ hoặc bán cho thương lái với giá dao động khoảng 8.000 - 10.000 đồng/nải. Nay có người đến tận vườn đặt mua chuối bà con ai cũng vui mừng nên đã chuyển đổi đất vườn đồi trồng các loại cây kém hiệu quả qua trồng chuối.

Đối với gia đình bà Đinh Thị Thúy, xã Sơn Bua đã chuyển đổi gần 1.000m2 đất trồng sắn sang trồng chuối mốc. Do đây là mùa đầu tiên, nên trung bình mỗi tuần bà thu hoạch được khoảng 15 buồng chuối. Sau khi trừ chi phí, bà thu về khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ năm sau, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều do không mất chi phí giống và số cây chuối cho thu hoạch cũng nhiều hơn.

Đồng bào Cadong phát triển kinh tế từ cây chuối mốc - ảnh 3
Những sản phẩm đặc trung của đồng bào Cadong được làm từ chuối mốc được giới thiệu ra thị trường

Để tăng năng suất, chất lượng của chuối, Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua đã lập kế hoạch sản xuất và hướng dẫn, phổ biến quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho từng hộ dân trồng chuối. Đồng thời, liên kết các hộ thành từng nhóm, tổ hợp tác để tổ chức quản lý. 

Ông Đinh Tiết, xã Sơn Bua, cho biết, được sự hướng dẫn của Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua, ông đã thực hiện mô hình trồng chuối hữu cơ. Ban đầu khi mới thực hiện mô hình ông cũng gặp nhiều khó khăn vì không có kinh nghiệm. Nhưng sau khi được các cán bộ đến hướng dẫn từ cách sử dụng lá để tạo phân, tưới nước đến việc khi nào thì thu hoạch để đảm bảo chất lượng tinh bột của quả chuối thì ông rất yên tâm.

Không chỉ giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân, nhà máy chế biến chuối sấy còn đang giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Chị Đinh Thị Vương (22 tuổi), thôn Huy Em, xã Sơn Dung, cho biết: “Trước đây em có đi làm tại một số quán ăn. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, em đến làm việc tại nhà máy chế biến chuối của Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua. Làm việc tại đây giờ giấc, thu nhập ổn định nên em vừa có thời gian chăm sóc con, vừa có tiền lo cho gia đình”.

Đồng bào Cadong phát triển kinh tế từ cây chuối mốc - ảnh 4
Sơn Tây hiện có khoảng 100ha chuối ở các xã

Huyện Sơn Tây hiện có khoảng 100ha chuối và phân bổ tại tất cả các xã. Do đó, việc có nhà máy chế biến nguyên liệu tại chỗ sẽ mở ra hướng phát triển cho cây chuối tại địa phương thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết, từ ngày có nhà máy chế biến chuối đóng tại địa bàn huyện, tất cả chuối do bà con làm ra đều được Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua thu mua. Đây là điều rất đáng vui mừng.

“Hiện tại huyện Sơn Tây đã và đang hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận OCOP 3 sao đối với các sản phẩm từ chuối. Đồng thời, huyện cũng quy hoạch một số vùng trồng chuối quy mô lớn tại xã Sơn Bua, Sơn Liên để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy cũng như tao thu nhập cho nhân dân”, ông Khuyến cho biết thêm.