Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa

MAI CHÂU, ảnh: HOA QUỲNH

VHO - Để phát huy tốt nhất các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng thực hiện.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 1

Quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống

Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc có 6 dân tộc chính (Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 64%. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng.

Mường Bi - Tân Lạc là một trong những điển hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mường. Huyện uỷ, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện nội dung này.

Trong đó phải kể đến Chỉ thị số 07-CT/HU, ngày 22.10.2016 của Huyện uỷ về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Mo Mường trên địa bàn huyện Tân Lạc”; Nghị quyết "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn huyện Tân Lạc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; UBND huyện ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.

Tháng 6.2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.

Từ những chỉ đạo quyết liệt này, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch đã tạo được những điểm nhấn, góp phần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, những lễ hội, hoạt động văn hoá tiêu biểu như: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức với quy mô cấp tỉnh trong 2 năm 2023, 2024 tại xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú. Gần đây, du lịch các xã vùng cao Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông… cũng đã gây sự chú ý của du khách.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 2

Huyện uỷ Lạc Sơn cũng ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 20.12.2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn.

UBND huyện Lương Sơn ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 7.4.2022 thực hiện các nhiệm vụ Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Mo Mường Hoà Bình năm 2022; Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 16.5.2022 về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình” giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn huyện Lương Sơn,…

Những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền, các sở ngành cũng rất quan tâm công tác giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh,…

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở KHCN phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Bộ chữ dân tộc Mường.

Trước đó, năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình nhằm đưa Bộ chữ dân tộc Mường vào đời sống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc Mường.

Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức biên soạn các tài liệu: “Hướng dẫn dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường”, “Tiếng Mường cơ sở”; “Đọc, hiểu tiếng Mường” để triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân vùng đồng bào Mường sinh sống; biên soạn Từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường - Việt.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 3

Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vùng đông bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Hoà Bình có trên 74% người DTTS, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt chú trọng.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11.10.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ của về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Đề án này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Hòa Bình; xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH.

Triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS, tỉnh đã tiến hành Chương trình tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 4

Toàn tỉnh có 786 di sản văn hoá phi vật thể, gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng…

Tỉnh đã có 5 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia: Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường, Lễ hội truyền thống Khai hạ của người Mường Hòa Bình, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng của người Thái huyện Mai Châu.

Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch và triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND, ngày 8.6.2019 phê duyệt Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh.

Sở GDĐT đã tổ chức các lớp đào tạo để xây dựng đội ngũ chuyên gia cốt cán dạy tiếng Mường. Huyện Lạc Thủy xây dựng 10 mô hình "Vận dộng, thuyết phục cán bộ cơ sở có đông đồng bào dân tộc Mường biết nói tiếng Mường”…

Bên cạnh đó, triển khai Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã và đang có nhiều giải pháp vận động cán bộ, hội viên, Nhân dân mặc trang phục dân tộc trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm.

Vận động học sinh, sinh viên các trường mặc trang phục dân tộc trong các buổi chào cờ, hoạt động văn hoá, văn nghệ…; cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp, người dân hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh mặc trang phục dân tộc. Qua đó, tạo ấn tượng với bạn bè, du khách khi đến tỉnh Hòa Bình.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 5

Đặc biệt, di sản văn hoá Mo Mường có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, chứa đựng nhiều giá trị vô cùng đặc sắc, quý giá đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.

Đến nay, hồ sơ đã hoàn thành và Chính phủ đã có văn bản đồng ý gửi hồ sơ đến tổ chức UNESCO xem xét. Ngoài ra, tỉnh đang hoàn thiện 2 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia là Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình.

Công tác quản lý di tích, di vật, cổ vật của tỉnh ngày càng được quan tâm. Các hiện vật, di vật, cổ vật hiện được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng tỉnh Hoà Bình (18.154 hiện vật) và các Bảo tàng ngoài công lập (trên 10.000 hiện vật) đều được chú trọng bảo vệ và trưng bày phục vụ Nhân dân và du khách.

Các di sản văn hoá vật thể trên địa bàn tỉnh Hoà Bình rất phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều di vật, cổ vật về đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt,… có giá trị, là tư liệu quan trọng góp phần tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của dân tộc Mường, cũng như tìm hiểu nền văn hoá, văn minh của người Việt cổ.

Cùng với đó, nhiều di tích của văn hoá được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo. Tỉnh ban hành Đề án để triển khai xây dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.

Trang phục truyền thống của các dân tộc Mường, Thái, Tày, H’Mông, Dao,... trên địa bàn tỉnh vẫn được người dân lưu giữ, bảo tồn. Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Hoà Bình đều được làm từ chất liệu có nguồn gốc thực vật và màu nhuộm từ tự nhiên được các nghệ nhân dệt theo phương pháp truyền thống.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 73 lễ hội truyền thống của các dân tộc được duy trì tổ chức hằng năm. Các lễ hội chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian và các di tích đình, đền, chùa, miếu.

Nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc được khôi phục tổ chức như: Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội Mường Thàng, Lễ hội Mường Động, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Đình Khênh, Lễ hội Đình Khói, Lễ hội Đình Cổi, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Xên Mường, Lễ cấp sắc,...

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, trại sáng tác, đi thực tế, nâng cao trình độ, năng lực sáng tác; khuyến khích phát triển tài năng, đặc biệt là các tài năng trẻ.

Hàng năm, tổ chức các cuộc thi sáng tác văn thơ, nhiếp ảnh; giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm cho các hội viên của tỉnh; tổ chức trao giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh. Hỗ trợ các hội viên tham gia các cuộc thi, triển lãm về văn học nghệ thuật của khu vực và toàn quốc đạt nhiều giải cao góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ cho Nhân dân và quảng bá văn hoá, du lịch của tỉnh Hoà Bình. 

Đa dạng các hoạt động bảo tồn văn hóa - ảnh 6

Nhiều câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật truyền thống được thành lập như: Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Mo Mường, Câu lạc bộ Hát Thường Rang, Bộ Mẹng và các câu lạc bộ văn nghệ tại cơ sở được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, nghệ thuật của Nhân dân trong tỉnh.

Một số địa phương mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường, nghệ thuật chiêng Mường, dệt thổ cẩm các dân tộc Mường, dân tộc Dao, dân tộc Tày,…

Các phong trào văn hoá, nghệ thuật đều phát triển sâu rộng, thực chất; tạo điều kiện từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân.

Đến nay, tỉnh Hoà Bình có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân; một số xóm bản phát triển du lịch cộng đồng có từ 4 đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc