Bảo tồn, truyền dạy văn hóa phi vật thể:

Con đường liên kết di sản và du lịch cộng đồng

THU HOÀI

VHO - Để thực hiện hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thời gian qua, Sở VHTTDL cùng các địa phương thụ hưởng dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích cực bám sát từng chỉ tiêu, kết hợp các nguồn lực nhằm phát triển đồng bộ từ công tác bảo tồn đến xây dựng và phát huy, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Con đường liên kết di sản và du lịch cộng đồng - ảnh 1
Tái hiện nghi thức Cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu Quảng Nam

 Chú trọng bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa truyền thống

Theo đó, công tác khảo sát, kiểm kê và sưu tầm tư liệu các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS), bao gồm trang phục, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ… được triển khai mạnh mẽ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một cùng các lễ hội tiêu biểu. Đồng thời, tiến hành khảo sát tiềm năng du lịch và tổ chức các hội nghị nhằm lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đề xuất bổ sung và sửa đổi các chính sách cùng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; tham mưu ban hành những chính sách mới nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, như nhà làng truyền thống, chữ viết, trang phục, lễ hội, nhạc cụ...

Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí và các chủ trương, chính sách thiết thực, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Điều này góp phần vào sự phát triển chung của các huyện miền núi nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung; duy trì, phát huy tính tự quản, ý thức cội nguồn và tinh thần đoàn kết cộng đồng của các DTTS.

Đặc biệt, các địa phương thụ hưởng Dự án số 6 đã chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch phù hợp với khả năng của từng địa phương, nhằm triển khai hiệu quả các nội dung của dự án. Điển hình như huyện Tây Giang đã triển khai nâng cấp, cải tạo Làng truyền thống Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng tại thôn Pơr’ning (xã Lăng) và thôn Ta Lang (xã Bha Lêê); mua sắm và cấp bộ trống, chiêng cho các thôn tại 10 xã trong huyện…

Huyện Đông Giang đã hỗ trợ đầu tư xây dựng và sửa chữa các hạng mục phục vụ điểm du lịch thôn Aréh - Đhrồng; tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và múa Tung tung da dá của người Cơ Tu; trang bị trống chiêng cho đội văn nghệ tại các thôn thuộc các xã trong huyện.

Huyện Nam Giang triển khai hỗ trợ âm thanh, cồng, chiêng cho các tổ dân phố và thôn trên địa bàn; tổ chức phục dựng nghi thức Lễ mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng tại xã Đắc Tôi; phục dựng Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing; xây dựng kế hoạch sản xuất phim tư liệu Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số xã La Dêê.

Huyện Nam Trà My tổ chức phục dựng Lễ cúng máng nước của dân tộc Ca Dong tại làng Làng Lê (thôn 2, xã Trà Don) và làng Măng Gry (thôn 1, xã Trà Vinh); tổ chức 3 lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh cồng, chiêng của các dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Mnông; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trang phục truyền thống cho ba dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng và Mnông.

Huyện Bắc Trà My hỗ trợ trống, chiêng, trang phục, trang sức cho đội cồng chiêng các thôn, đồng thời trang bị 4 tủ sách cộng đồng cho các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Tân, Trà Bui. Huyện Phước Sơn triển khai đầu tư hoàn thiện bên trong nhà văn hóa Bhnong và mua sắm trang phục truyền thống hỗ trợ các CLB văn hóa dân gian tại các xã, thị trấn trong huyện.

Huyện Hiệp Đức tổ chức khảo sát các tộc họ, xây dựng các CLB văn hóa dân gian; sưu tầm và lưu giữ các hiện vật, giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Mnông tại 3 xã Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia. Huyện cũng tổ chức tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm và mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống; đồng thời tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã vùng cao Hiệp Đức.

Bên cạnh đó, các địa phương đã hỗ trợ các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền và phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ kế cận. Các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cũng được tổ chức để truyền dạy văn hóa phi vật thể cũng như bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Những thành tựu ban đầu

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Trong năm 2023 và 2024, tỉnh đã tổ chức thành công 5 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc. Công tác khảo sát, kiểm kê và sưu tầm di sản văn hóa cũng được triển khai, đặc biệt là việc ghi âm, ghi hình nhạc cụ Đinh tút của đồng bào Giẻ Triêng (nhóm Tà Riềng) tại huyện Nam Giang và nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.

Đặc biệt, các lễ hội truyền thống cũng được tái hiện, nổi bật là Lễ cưới của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm Ve) tại xã Đắc Pre (huyện Nam Giang), Lễ mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức), góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Tổ chức tập huấn và thi đấu bắn ná - bắn nỏ truyền thống tại huyện Phước Sơn; khảo sát thực trạng Nhà làng truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai hỗ trợ mới Tủ sách cộng đồng cho 16 xã thuộc các huyện thụ hưởng Dự án 6...

Đồng thời, thực hiện chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam; xây dựng trailer quảng bá du lịch, thực hiện các chương trình quảng bá du lịch miền núi…

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống các DTTS gồm: Mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các DTTS; Mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS; Mô hình xây dựng đời sống văn hóa các DTTS; Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng…