Quảng Nam:

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án 6

THU HOÀI

VHO - Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đang được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, hiện nay 7 huyện vùng cao thụ hưởng Dự án 6 gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức đang bám sát 18 nội dung trọng tâm của dự án để triển khai thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án 6 - ảnh 1
Phục dựng Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm Ve) tại huyện Nam Giang

 Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam khẳng định: “Văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa xứ Quảng, là tài sản quý giá của tỉnh góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số thành chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong đó, chú trọng vào Dự án 6 với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Việc triển khai Dự án 6 được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với sinh kế bền vững”.

Thời gian qua, ngành VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, triển khai đạt hiệu quả Quyết định số 800 của UBND Quảng Nam về kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 giai đoạn 2022-2025. Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí và các chủ trương, chính sách thiết thực, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam tiếp tục được bảo tồn, phát huy nhằm góp phần vào sự phát triển chung của các huyện miền núi nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Sở VHTTDL đã triển khai tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ đinh tút của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm Tà Riềng); phục dựng, tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng (nhóm Ve) tại huyện Nam Giang.

Thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam; triển khai hỗ trợ mua mới tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện trong phạm vi Dự án 6; triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Dự án 6 năm 2022 và năm 2023 tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức.

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch của tỉnh về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2025; Quyết định gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đã và đang ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham mưu ban hành những chính sách mới để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, những di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một như hỗ trợ bảo tồn nhà làng truyền thống, chữ viết, trang phục, lễ hội, nhạc cụ... Tập trung nghiên cứu và triển khai áp dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ vào các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát huy”, ông Hồng cho biết.

Trên thực tế, việc triển khai Dự án 6 tại một số địa phương ở Quảng Nam vẫn gặp không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải ngân nguồn vốn; việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu di sản văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số đã hướng dẫn tại Thông tư số 11/2013 của Bộ VHTTDL, song chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó đề xuất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức giá, quy trình thẩm định các hiện vật, nhất là hiện vật liên quan văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, sẽ kiến nghị Bộ VHTTDL ban hành hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 6. Đồng thời quan tâm hỗ trợ tăng thêm nguồn vốn đầu tư thiết chế văn hóa thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mở rộng đối tượng được hỗ trợ tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến cấp huyện.

Hướng dẫn cụ thể việc mua sắm trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số do sản phẩm này đều được chế tác thủ công, sản xuất nhỏ theo hộ gia đình, cộng đồng dân cư, không có hóa đơn chứng từ minh chứng khi trao đổi mua bán, do đó việc thực hiện thẩm định giá và các bước đấu thầu mua sắm theo quy định hiện hành gặp khó khăn…