Chuyện về những người lưu giữ “hồn cốt” chữ Thái
VHO - Với lòng đam mê, tâm huyết về văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau, những người cao tuổi dân tộc Thái ở xứ Thanh đã dành cả đời gắn bó, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái cho thế hệ trẻ.
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có hơn 1 triệu cư dân sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có trên 600.000 người, gồm các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa truyền thống của xứ Thanh.
Nhiều năm qua, bằng niềm đam mê, trách nhiệm và sự am hiểu, những người con dân tộc Thái đã miệt mài nghiên cứu, bảo tồn nét văn hóa tốt đẹp, quý giá của các dân tộc, đây cũng là nhiệm vụ được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm.
Trong đó, ngành văn hóa đã tích cực phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Với mong muốn giữ lại “hồn cốt” của dân tộc, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông Cao Bằng Nghĩa (75 tuổi, người có uy tín ở khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá) vẫn say sưa bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Ông hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn Mường Ca Da, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn hóa dân gian, hội viên Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam... Với niềm đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Thái nói chung và chữ viết nói riêng, ông đã tham mưu với Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa phối hợp với UBND xã Nam Xuân mở 2 lớp dạy chữ Thái cho cán bộ, Nhân dân trong và ngoài xã.
Để thêm hứng thú cho học viên, ông đã vận dụng các bài trường ca, dân ca, tục ngữ dân tộc Thái vào bài giảng để người học dễ dàng tiếp nhận.
Từ những lớp học do ông Nghĩa sáng lập đã đặt “nền móng” thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Quan Hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều người dân tìm đến nhà nhờ ông dạy chữ.
Đến nay, ông đã dạy chữ Thái cổ cho 220 người; truyền dạy khèn bè, khèn tang ma cho hàng chục người, khèn Mông cho 7 người và sáo trúc cho 20 cháu nhỏ trong khu phố.
Cùng với đó, ông đã tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương mở các lớp bồi dưỡng kiến thức bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái cho cán bộ văn hóa cơ sở.
Hàng chục năm nay, ông Hà Nam Ninh (dân tộc Thái ở thị trấn Cành Nàng, Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) không ngừng lặn lội ngược xuôi để sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái. Sau khi về hưu, ông đã chuyên tâm nghiên cứu về chữ Thái để trao truyền cho những người Thái trẻ tuổi.
Năm 2006 ông biên soạn thành công giáo án dạy chữ Thái và quyết định mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại địa phương. Các lớp học do ông tổ chức thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân trong huyện tham gia.
Đặc biệt, năm 2007 ông được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá mời dạy cho 13 giáo viên của Trường Đại học Hồng Đức để thực hiện Đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi 13 giáo viên được ông truyền dạy trở thành giáo viên dạy chữ Thái, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã mở các lớp dạy tiếng Thái cho cán bộ, giáo viên.
Là một trong những nghệ nhân có nhiều uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua ông đã được một số địa phương trong và ngoài tỉnh mời dạy tiếng nói, chữ viết của người Thái. Đồng thời, sưu tầm hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Thái cổ.
Cùng với các ông Cao bằng Nghĩa, Hà Nam Ninh, ông Phạm Bá Thược, ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá là người con dân tộc Thái, hơn 20 năm qua, luôn mang trong mình niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm chữ Thái cổ, truyền dạy cho nhiều thế hệ, góp phần hồi sinh chữ viết của người Thái, cũng là gìn giữ, phát huy những nét tinh túy nhất của dân tộc mình.
Từ ngày còn là giáo viên đứng trên bục giảng, ông Phạm Bá Thược đã dành thời gian tìm hiểu hệ thống chữ viết của dân tộc Thái, đồng thời thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về giảng dạy tiếng Thái do huyện, tỉnh tổ chức.
Từ năm 2007 đến nay, dù trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng ông Phạm Bá Thược vẫn là hạt nhân quan trọng trong công tác giảng dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ông Phạm Bá Thược đã mở nhiều lớp học chữ Thái tại các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hoá như Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân… với hàng trăm học viên là học sinh, cán bộ, viên chức và Nhân dân tham gia.
"Là người con của dân tộc Thái, tôi luôn mong muốn được góp phần công sức của mình trong việc sưu tầm, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình, từ đó truyền lại cho các thế hệ hôm nay", ông Thược chia sẻ.
Không chỉ thành thạo chữ viết dân tộc Thái, ông Phạm Bá Thược còn sưu tầm, phiên âm và lưu giữ được trên 2.000 câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ dân tộc Thái, cập nhật, ghi chép lại những tác phẩm văn học, những câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội sau đó phiên âm bằng chữ Việt và phổ biến lại cho Nhân dân.
Đặc biệt, ông đã vận động các bậc cao niên ở các thôn bản, các nghệ nhân dân gian sưu tầm sách cổ bằng chữ Thái, phiên âm và lưu giữ được 300 cuốn sách cổ gồm đủ các thể loại: ca dao, truyện thơ, sách tâm linh và sách cổ nói về luật tục, tập tục người Thái. Ngoài ra, ông còn thu thanh và lưu giữ hàng chục làn điệu Khắp Tày (hình thức diễn xướng các bài dân ca).
Với ông Phạm Bá Thược, việc tìm hiểu, sưu tầm và truyền dạy chữ Thái cũng chính là để bảo tồn ngôn ngữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ lời ca tiếng hát, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động sản xuất, văn hóa ứng xử, giao tiếp... Qua đó trau dồi, gìn giữ, và phát huy những tinh hoa văn hóa cao quý của ông cha cho thế hệ sau.
Cùng với các ông Cao Bằng Nghĩa, Hà nam Ninh, Phạm Bá Thược, trên địa bàn miền núi Thanh Hóa còn nhiều nghệ nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày đêm miệt mài trao truyền giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Họ là những nhân tố tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.