Sơn La:
Chương trình 1719 góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
VHO - Với tỷ lệ giải ngân cao, nhiều mô hình phát triển bền vững và diện mạo nông thôn miền núi ngày càng đổi thay tích cực, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La được phân bổ hơn 5.653 tỉ đồng để triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, tập trung vào: giải quyết thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp dân cư; khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ sinh kế theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục, y tế; bảo tồn văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ các dân tộc rất ít người.
Tính đến tháng 6.2025, toàn tỉnh Sơn La đã giải ngân hơn 3.666 tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và chính quyền cơ sở, cùng quyết tâm chính trị cao trong việc “đưa vốn đến đúng nơi, đúng người, đúng mục tiêu”.
Để có được kết quả tích cực, Sơn La đã chủ động ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình sát với thực tiễn từng vùng; tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, qua đó đẩy nhanh hiệu quả giải ngân, đảm bảo chất lượng công trình và lợi ích của người dân.
Do đó, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những chuyển biến toàn diện về hạ tầng, sinh kế, giáo dục - y tế, môi trường sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tính đến đầu năm 2025, Sơn La đã giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 640 hộ dân; xây dựng 85 công trình cấp nước tập trung, phục vụ hơn 8.200 hộ; bố trí sắp xếp dân cư tại 17 điểm, ổn định nơi ở cho 956 hộ; cải tạo, xây mới trên 160 công trình giao thông nông thôn, 190 nhà sinh hoạt cộng đồng và 140 công trình hạ tầng khác; đào tạo nghề cho hơn 7.800 người nghèo, cận nghèo; kết nối việc làm, chuyển đổi nghề cho trên 70.600 lao động.
Không chỉ tác động đến đời sống vật chất, chương trình còn giúp thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Thông qua hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, mô hình sinh kế, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết chuỗi giá trị. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp, mà từng bước làm chủ kế sinh nhai, hướng đến thoát nghèo bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số tại Sơn La giảm còn 14,2% vào cuối năm 2024; hạ tầng cơ bản như đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế… đã phủ kín 98 - 100% xã, bản, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chỉ số tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân.

Điểm nhấn là tỉnh Sơn La đã tổ chức thực hiện tốt Dự án 6 về " Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" góp phần khơi dậy tình yêu và niềm tự hào trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, mang lại sự đổi thay rõ rệt cho các bản làng trên địa bàn Sơn La.
Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cho các xã, bản đặc biệt khó khăn; huy động sự tham gia của cộng đồng và người dân trong công tác bảo tồn, phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín về truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số; phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu bản sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào ngày 22.6, do Chính phủ tổ chức, tỉnh Sơn La được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), với tỷ lệ giải ngân cao, nhiều mô hình phát triển bền vững và diện mạo nông thôn miền núi ngày càng đổi thay tích cực.
Thành công của Chương trình MTQG 1719 tại Sơn La là minh chứng rõ nét cho tinh thần “vì nhân dân phục vụ” – đưa chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn đời sống, để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La cần tiếp tục ưu tiên cao cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.