Nâng cao đời sống văn hóa của người dân nhờ Chương trình MTQG 1719

ANH ĐÀO, ảnh: VĂN QUAN

VHO - Thời gian qua, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Nâng cao đời sống văn hóa của người dân nhờ Chương trình MTQG 1719 - ảnh 1

Mức thụ hưởng văn hóa cho người dân cũng được nâng lên

Tổng nguồn vốn huyện được giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2022 - 2024, là 257 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển trên 158 tỉ đồng; vốn sự nghiệp trên 99 tỉ đồng). Một số dự án thuộc Chương trình đã và đang được giải ngân đảm bảo kế hoạch, góp phần tạo chuyển biến, nâng cao đời sống đồng bào DTTS.

Nhiều Dự án của Chương trình MTQG 1719 đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Năm cách Văn Quan trung tâm thành phố Lạng Sơn 45km về phía Tây Nam là huyện miền núi, nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Hoa và Kinh. Toàn huyện có 13.675/13.928 hộ là đồng bào DTTS, sinh sống tại 121 thôn, khu phố. Huyện có 16 xã, 1 thị trấn (trong đó có 8 xã và 65 thôn đặc biệt khó khăn; 9 xã, thị trấn khu vực I).

Huyện Văn Quan có tỉ lệ đồng bào DTTS sinh sống cao tới 97%, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy huyện rất quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình MTQG.

Từ các nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sản xuất cho người dân, hỗ trợ bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Cụ thể, việc thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (thuộc Chương trình MTQG 1719), năm 2022 - 2023, huyện Văn Quan được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây mới 2 nhà văn hóa (thôn Thanh Sơn, xã Khánh Khê và thôn Bản Thượng, xã Liên Hội), nâng cấp 3 nhà văn hoá (thôn Nà Bung, thôn Nà Súng, xã Điềm He; thôn Việt Yên, xã Liên Hội), tổng kinh phí 583 triệu đồng.

Các xã trên địa bàn huyện được giao làm chủ đầu tư đã xây dựng phương án cụ thể triển khai thực hiện, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động xã hội hóa của người dân bằn cả tiền và ngày công. Đến nay các nhà văn hóa thôn đã được xây dựng hoàn thành cơ bản các hạng mục, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Riêng năm 2024, từ nguồn Dự án 6 đã hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp 2 nhà văn hoá tại thôn Khau Ngoà và Phù Huê, xã Trấn Ninh, tổng kinh phí 151 triệu đồng. UBND xã Trấn Ninh được giao làm chủ đầu tư, hiện nay tiến độ thi công đạt 80% kế hoạch.

Từ nguồn Dự án 6 cũng đã hỗ trợ hoạt động cho 22 CLB, đội văn nghệ thôn, tổ dân phố trên địa bàn các xã, thị trấn, kinh phí trên 700 triệu đồng. Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa được đẩy mạnh. Các CLB văn nghệ được hỗ trợ kinh phí hoạt động, mua sắm trang phục, đạo cụ…, góp phần nhân rộng, duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đời sống tinh thần, mức thụ hưởng văn hóa cho người dân cũng được nâng lên, đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện

Nâng cao đời sống văn hóa của người dân nhờ Chương trình MTQG 1719 - ảnh 2

Khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn

UBND huyện Văn Quan cũng chọn một số lễ hội làm điểm để khôi phục và phát huy những nét bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Tiêu biểu là lễ hội Thồng Lạc (thôn Nà Chuông, xã Tri Lễ).

Trước đây, Lễ hội Thồng Lạc được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm giữa một cánh đồng, gồm có phần lễ và phần hội.

Vào ngày này, mỗi gia đình trong bản đều chuẩn bị một mâm cỗ. Mỗi mâm lễ được bài trí đẹp mắt, chứa đựng những sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra như: bánh chưng, bánh khảo, gà thiến luộc, chè lam, bánh bỏng, khẩu sli…

Những sản vật được dâng lên cúng trời đất và Thần Nông, mang ý nghĩa thể hiện sự giao hòa của trời đất.

Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt do các Pú mo (chủ lễ, thầy Tào) tiến hành.

Trước tiên, Pú mo xin báo cáo thần linh, một năm qua dân bản tích cực lao động sản xuất, đã có được một vụ mùa thắng lợi.

Pú mo cũng xin thần linh phù hộ và độ trì cho dân bản một mùa sản xuất mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu; xin thần linh xua đuổi những tà khí, đuổi bọn ác thần không về quấy rầy dân bản.

Sau khi khấn xong, Pú mo cầm nắm thóc vãi xuống đất và rẩy ít nước lên trời. Lời khấn thống thiết, động tác vãi hạt thóc, rẩy nước... cốt yếu cầu mong có được một mùa sản xuất tốt, dân bản được no ấm.

Trong lễ hội không thể thiếu màn múa sư tử. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng quan niệm rằng sư tử là con vật có thật trong tự nhiên, là chúa sơn lâm - vua của các loài vật, thể hiện cho sức mạnh của tự nhiên, tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, sự khéo léo, dũng cảm, tài nghệ phi thường.

Nâng cao đời sống văn hóa của người dân nhờ Chương trình MTQG 1719 - ảnh 3

Sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó. Bởi vậy sự xuất hiện của sư tử đầu năm mới là sự khởi đầu của mọi điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình. 

Múa sư tử vì thế được cho là sẽ xua đuổi được tà ma, diệt mọi ôn dịch, giúp sản xuất, chăn nuôi, làm ăn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, bội thu và niềm tin vào một năm mới sung túc.

Trò múa sư tử thường gồm các điệu: Điệu múa chào thần thánh; điệu múa vui hội; trò vui của khỉ; trò sư tử đẻ con; trò múa sư tử bị giết; trò chồng người.

Sau màn múa sư tử là các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức như tung còn, kéo co, cờ người, đánh yến, đánh quay…

Trong lễ hội lồng tồng xưa, trò chơi kéo co được tổ chức thi theo làng, cũng có khi chia phe kéo co theo địa giới nguồn nước, phe phía đầu nguồn nước kéo thi với phe hạ nguồn nước. Theo tục lệ, phe phía thượng nguồn là phải thắng, có được như vậy thì năm đó làng mới đủ nước cày, cấy, đủ no và dư dật.

Phong tục xưa, trò chơi tung còn chia làm 2 bên nam- nữ. Nam đứng bên mặt dán giấy đỏ của vòng còn (phía đông) và nữ đứng bên mặt dán giấy vàng của vòng còn (phía tây). Người ta tin rằng, tung còn là để trời đất giao hoà, âm dương kết hợp đem lại bình an, phúc lộc cho dân làng.

Vì thế hãy cố tung còn sao cho trúng đích. Nếu ai ném thủng vòng còn sẽ được thưởng. Và quả còn đó sẽ được ông mo bóc ra lấy hạt bông hay hạt ngô, đỗ, đậu nhồi trong quả còn trộn với thúng thóc rang rồi tung vào đám người dự hội.

Người tham gia ai nấy đều giơ vạt áo ra hứng, hứng được càng nhiều thì tin rằng năm mới mình sẽ gặp nhiều may mắn.

Tại lễ hội Thồng Lạc, người dân và du khách còn được thưởng thức những tiết mục hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước đổi mới, làn điệu hát then, sli, lượn đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, tung còn, bịt mắt đánh trống.

Lễ hội là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống và con người Văn Quan đến nhân dân và du khách.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc