Chăm lo phát triển giáo dục trong vùng đồng bào Khmer
VHO - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719), Sóc Trăng đã thực hiện chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường PTDT nội trú, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS…
Xóm ấp giờ đã có nhiều đổi thay, những ngôi trường khang trang làm tươi mới diện mạo nông thôn. Đây chính là động lực để đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn cho việc học tập của con em.
Theo ông Thạch Văn Mến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Đề: “Ba năm qua, địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Công tác thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, như: Miễn giảm học phí cho trên 1.800 học sinh (với số tiền trên 1,1 tỉ đồng); hỗ trợ gạo cho 205 em (438.000 kg); hỗ trợ tiền ăn cho 865 học sinh (hơn 2,7 tỉ đồng); hỗ trợ học bổng hằng tháng cho 840 học sinh trường dân tộc nội trú (hơn 1 tỉ đồng). Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho cấp mầm non như hỗ trợ học tập, tiền ăn... các địa phương đã huy động trẻ em người DTTS đến lớp vượt chỉ tiêu, quy mô trường lớp ngày càng tăng...”.
Trường Tiểu học Đại Ân 2A (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) là đơn vị giáo dục đạt chuẩn quốc gia, có trên 97% học sinh là đồng bào Khmer theo học. Cô Trần Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trường đảm bảo dạy ngày 2 buổi từ lớp 1 đến lớp 5. Đặc biệt, trang thiết bị dạy học của trường được quan tâm đầu tư, đáp ứng chương trình đổi mới của Bộ GD&ĐT. Từ đó, tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc ngày càng cao”.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành Giáo dục huyện cũng triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nhằm giáo dục các em giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Sóc Trăng đã bảo đảm kiên cố; không còn trường, lớp học tạm; chất lượng giáo dục trong từng cấp học đang từng bước nâng lên.
Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện toàn tỉnh có 10 trường PTDT nội trú, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Điều đáng chú ý là trên địa bàn có 149 trường dạy tiếng dân tộc Khmer, điều này thể hiện sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của tỉnh đối với công tác giáo dục và đào tạo. “Nâng cao chất lượng dạy và học luôn là ưu tiên được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Các trường đều xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, kịp thời thông báo kết quả học tập đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy và học hiệu quả”, ông Nguyên nói.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm, chăm lo của địa phương, công tác giáo dục vùng DTTS ở tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao, cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh người DTTS bỏ học.