Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa học tiếng Mông để gần dân, giữ vững biên cương

NGUYỄN LINH

VHO - Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông do Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp Trường Đại học Hồng Đức tổ chức không chỉ trang bị kỹ năng giao tiếp, mà còn góp phần củng cố "thế trận lòng dân" nơi biên giới.

Ngày 8.5, tại Trường Đại học Hồng Đức (TP Thanh Hóa), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với nhà trường tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông năm 2025 cho cán bộ BĐBP và cán bộ cơ sở đang công tác trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh.

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa học tiếng Mông để gần dân, giữ vững biên cương - ảnh 1
Khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông năm 2025 cho cán bộ BĐBP và cán bộ cơ sở đang công tác trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hoá

Lớp học diễn ra trong gần một tháng theo hình thức tập trung, với mục tiêu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Mông trong giao tiếp thực tế.

Đồng thời trang bị thêm hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại vùng biên giới Thanh Hóa.

Gắn bó với đồng bào từ ngôn ngữ đến trái tim

Phát biểu tại lễ khai giảng, Đại tá Hoàng Văn Hùng – Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực giao tiếp tiếng dân tộc thiểu số đối với lực lượng công tác tại khu vực biên giới.

Theo Đại tá Hùng, trong điều kiện địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đa dạng thành phần dân tộc, việc thấu hiểu ngôn ngữ, tâm lý, phong tục của người dân bản địa chính là chìa khóa để tuyên truyền, vận động hiệu quả.

Lớp học không chỉ dừng lại ở việc học tiếng, mà còn là một phần trong chiến lược xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới.

“Chúng tôi mong rằng sau khi kết thúc lớp học, các học viên sẽ vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng được trang bị để thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả học tập cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đồng chí,” Đại tá Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa học tiếng Mông để gần dân, giữ vững biên cương - ảnh 2
Đại úy Hơ Văn Di, Đồn Biên phòng Trung Lý trong giờ dạy tại lớp xóa mù chữ

Được biết, trong giai đoạn 2023–2024, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức hai lớp bồi dưỡng, đào tạo 77 cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ BĐBP.

Nhờ đó, nhiều cán bộ công tác tại các đồn biên phòng như Tén Tằn, Pù Nhi, Mường Lý, Quang Chiểu… đã từng bước cải thiện năng lực giao tiếp tiếng Mông, tạo sự gần gũi, tin cậy với đồng bào.

Không ít cán bộ sau khóa học đã có thể vận dụng tốt ngôn ngữ trong công tác tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật; đồng thời hỗ trợ người dân trong các tình huống cụ thể như khám chữa bệnh, phòng chống tảo hôn, ngăn chặn di cư tự do, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản.

Nội dung chương trình học được thiết kế bài bản, bám sát thực tiễn. Ngoài các bài giảng lý thuyết, học viên còn được thực hành giao tiếp, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề, học qua tình huống cụ thể. Giảng viên là các chuyên gia ngôn ngữ và người dân bản địa có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Mông.

Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân nơi biên giới

Tỉnh Thanh Hóa có đường biên giới dài 213 km, tiếp giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ lớn tại các xã vùng cao của các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa.

Trong bối cảnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân cần bám sát địa bàn, hiểu đặc thù văn hóa – xã hội từng dân tộc, thì năng lực giao tiếp bằng tiếng dân tộc là một công cụ không thể thiếu.

Thông qua việc tổ chức các lớp học tiếng Mông, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa không chỉ nâng cao hiệu quả công tác dân vận, mà còn góp phần giữ vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân, tạo nền tảng để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vững chắc từ gốc.

Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô, hình thức và nội dung bồi dưỡng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới – vừa bảo vệ biên giới, vừa chăm lo, đồng hành với đồng bào dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.