Quảng Nam:

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng

KHÁNH CHI

VHO - Phục dựng các lễ hội, xây dựng, truyền dạy duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… Song song với công tác phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thể thao truyền thống tốt đẹp, qua đó phát triển du lịch cộng đồng là cách mà huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) nỗ lực để tôn vinh văn hóa của đồng bào nơi đây.

Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng - ảnh 1
Trình diễn cồng chiêng ở Nam Giang

 Giữ gìn, phục dựng các lễ hội truyền thống

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang cho biết, hơn 80% người dân ở đây là đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… Những năm qua, song song với công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, địa phương rất chú trọng đến bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa thể thao thống tốt đẹp của đồng bào. Qua đó, góp phần khai thác, phát huy các giá trị tốt đẹp để thu hút du khách, phát triển du lịch cộng đồng. Đa số các hoạt động bảo tồn được triển khai thực hiện theo Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong năm 2023, địa phương đã phục dựng 2 nghi thức truyền thống là Lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng tại xã Đắc Tôi và Lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing. Bên cạnh đó, mua sắm, cấp 11 bộ cồng, trống, chiêng cho 11 thôn, 7 dàn âm thanh phục vụ hoạt động nhà văn hóa thôn, 5 tủ sách phục vụ cho 5 xã trên địa bàn huyện Nam Giang.

Năm 2024, đã tổ chức biểu diễn 4 nghi thức truyền thống gồm: Lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng tại xã Đắc Tôi; Lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing; Lễ cưới truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng (nhóm người Ve) của xã Đắc Pre và Lễ cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu của xã Zuôih. Các hoạt động biểu diễn này thu hút hàng ngàn người dân và du khách.

Ngoài ra huyện Nam Giang cũng tổ chức 4 lớp truyền dạy kỹ năng sử dụng cồng, trống chiêng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện với sự tham gia của 10 nghệ nhân truyền dạy và 238 học viên tham gia; 1 lớp tập huấn truyền dạy hát lý, nói lý cho đồng bào Cơ Tu và Giẻ Triêng. Đồng thời tiếp tục mua sắm, trang bị bộ cồng trống chiêng và âm thanh phục vụ cho hoạt động của nhà văn hóa các thôn.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phục dụng một số nghi thức cho đồng bào Cơ Tu và đồng bào Tày, Nùng phục vụ phát triển du lịch tại Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ theo đề án xây dựng Làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm giai đoạn 2024 - 2025 định hướng đến”, ông Hùng thông tin thêm.

Một điểm nhấn đặc biệt ghi dấu nỗ lực của địa phương và người dân trong việc bảo tồn, tôn vinh văn hóa truyền thống là việc tổ chức định kỳ 2 năm/lần Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” của huyện Nam Giang. Mỗi một kỳ liên hoan thực sự là ngày hội của đồng bào, người dân Nam Giang, thu hút hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, già làng, trưởng bản và đồng bào các dân tộc của 12 xã, thị trấn tham gia với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, phong phú.

Cùng với đó là nhiều hình thức sáng tạo để góp phần vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như tổ chức các cuộc thi kể chuyện cổ tích, trình diễn dệt thổ cẩm, thi ẩm thực truyền thống của các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, tổ chức môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy…Các dịp lễ hội, Tết truyền thống nhiều địa phương, trường học trên địa bàn tổ chức hoạt động ngày Tết quê em, biểu diễn văn nghệ chú trọng đến những tiết mục tôn vinh, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào như biểu diễn cồng chiêng, các điệu múa, trang phục truyền thống Cơ Tu, Ve, Tà Riềng.

Bảo tồn văn hóa gắn với du lịch cộng đồng

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch được huyện Nam Giang rất chú trọng để giúp người dân có thêm thu nhập, từ đó có động lực để giữ gìn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) - Nhật Bản, các nguồn lực đầu tư từ chính quyền, địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Za Ra; HTX du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại xã Tà Bhing với lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân, đồng bào, các bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, phục vụ du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân tại đây. Du khách đến làng sẽ được xem biểu diễn cồng chiêng, hát lý, nói lý, thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Xem các nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm, mua sắm các mặt hàng lưu niệm do chính đồng bào nơi đây sản xuất.

Ông Trần Ngọc Hùng thông tin thêm, thời gian tới huyện Nam Giang định hướng tiếp tục tập trung phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Song song đó sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc; triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ lao động là người đồng bào dân tộc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.