Bảo tồn và phát huy nghề dệt Dèng ở A Lưới, thu hút khách du lịch, góp phần giảm nghèo
VHO - Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, nghề truyền thống dệt Dèng - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được phát huy hiệu quả, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các chị em ở vùng cao.
Dệt Dèng là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Tà Ôi, huyện A Lưới, sau này, nghề được các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều sinh sống trên địa bàn cùng phát triển, trở thành loại hình sản xuất thủ công độc đáo. Các công đoạn và sản phẩm của dệt Dèng ở A Lưới cũng có những đặc trưng riêng, khác biệt với vải thổ cẩm ở những nơi khác.
Cuối năm 2016, dệt Dèng của huyện A Lưới đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng góp phần làm động lực cho giữ gìn nghề truyền thống cũng như phát huy giá trị, mang lại nguồn thu bền vững cho đồng bào sinh sống ở trên dãy Trường Sơn của địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới, nghề dệt Dèng cũng đã được chính quyền địa phương và các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để lan tỏa giá trị.
Theo ông Hồ Văn Lịch, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới, hiện nay trên địa bàn huyện có 7 cơ sở sản xuất kinh doanh nghề dệt Dèng truyền thống với khoảng 350 lao động thường xuyên. Các hợp tác xã và tổ hợp dệt Dèng tập trung ở các xã biên giới như Quảng Nhâm, A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, xã A Ngo, thị trấn A Lưới…
Nghệ nhân Mai Thị Hợp là người đã gắn bó với dệt Dèng từ gần 50 năm qua và hiện là Giám đốc Hợp tác xã Thổ cẩm xanh AzaKooh ở thị trấn A Lưới. Bà là một trong những người mạnh dạn đi đầu trong bảo tồn và phát triển nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc. Gần 20 năm trước, bà Hợp đã thành lập tổ hợp dệt Dèng, sau này đổi thành Hợp tác xã Thổ cẩm xanh AzaKooh. Cùng với đó, từ vài thành viên ban đầu, hiện nay hợp tác xã này đã có hơn 100 người tham gia, là chị em phụ nữ trên địa bàn và các xã lân cận, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho các gia đình ngoài các công việc làm chăn nuôi, trồng trọt…
Bà Mai Thị Hợp cho biết, những sản phẩm Dèng của các chị em vùng cao đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong nước, giới thiệu quảng bá tại các sự kiện lễ hội, hội chợ thương mại, chương trình văn hóa - du lịch… Ngoài các tấm Dèng thì loại vải thổ cẩm này còn được sáng tạo thành các mặt hàng lưu niệm, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là du khách như: túi xách, ví, khăn choàng, giày dép, áo dài, váy… Việc đa dạng hóa sản phẩm từ Dèng đã góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại sự bền vững cho việc phát triển nghề truyền thống.
Theo UBND huyện A Lưới, hiện có 8 nghệ nhân dệt Dèng góp phần trao truyền, lan tỏa nghề và giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao. Có 3 làng nghề dệt Dèng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận, gồm: làng nghề dệt Dèng A Hưa (xã Quảng Nhâm); làng nghề dệt Dèng A Đớt (xã Lâm Đớt); làng nghề dệt Dèng A Rưm (thị trấn A Lưới). Cuối năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận nghề dệt Dèng A Roàng là nghề truyền thống, cùng với đó có 42 người được đào tạo kỹ thuật may trang phục truyền thống từ vải Dèng.
Ông Hồ Văn Lịch cho biết, trên địa bàn huyện còn có 6 làng nghề khác đang hoạt động và phát triển nhưng chưa được công nhận làng nghề. Cùng với nghề dệt Dèng, các lao động trong các làng nghề có thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người của lao động trong làng nghề đạt từ 30 - 40 triệu đồng/người/năm.
“Dù giá trị sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nghề không cao nhưng đã giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, lao động thời vụ tại địa phương. Đồng thời, ổn định trật tự, đóng góp xây dựng kinh tế xã hội và góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo”- ông Hồ Văn Lịch thông tin.
Hiện nay, huyện A Lưới cũng đã tổ chức mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm tìm hiểu nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi tại thôn Pa Ris Ka Vin, xã Lâm Đớt, góp phần kết nối nguồn khách du lịch tìm hiểu và tiêu thụ những sản phẩm truyền thống của bà con địa phương.