Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên

QUỲNH VY

VHO - Trong Quý IV năm 2024, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên góp phần khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Điện Biên.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên - ảnh 1
Người Khơ Mú ở Điện Biên còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống đặc sắc. Ảnh minh họa

Theo đó, giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp Sở VHTTDL Điện Biên và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên. 

Cụ thể, chương trình sẽ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Điện Biên.

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu xây dựng mô hình về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phải phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương. Đồng thời, khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên.

Theo đó, chương trình diễn ra trong Quý IV năm 2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bao gồm khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tại bản Kéo, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế từ đó làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung triển khai mô hình.

Tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành phương pháp nhuộm chàm, kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Hỗ trợ nguyên liệu, vật tư phục vụ thực hành kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống. Tổ chức ghi hình, chụp ảnh, dựng phim tư liệu phục vụ tuyên truyền, quảng bá về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thành phần tham gia gồm 1 Nghệ nhân Ưu tú, 4 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và 70 học viên dân tộc Khơ Mú xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ.

Các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy các mô hình bảo tồn giá trị bộ trang phục truyền thống, khuyến khích đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn trang phục nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung. 

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu quá trình triển khai thực hiện phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

Chú trọng phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo hướng bền vững.