Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại

NAM HƯNG

VHO - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, đại diện đồng bào dân tộc Sán Chay thuộc ba tỉnh gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại - ảnh 1
Tọa đàm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại gắn với phát triển du lịch

Phát biểu tại tọa đàm bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh, dân tộc Sán Chay có số dân trên 200.000 người. Người Sán Chay cư trú rải rác, xen lẫn với các dân tộc khác tại một số địa phương miền núi phía Bắc. Đây là tộc người có lịch sử truyền thống lâu đời, có nhiều sắc thái văn hoá đặc trưng góp phần hình thành nên tộc người Sán Chay trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, kinh tế thị trường ngày càng phát triển, cùng với đó là sự du nhập các giá trị mới, giá trị hiện đại đã làm thay đổi nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào, dẫn tới xu hướng nhiều yếu tố văn hoá có nguy cơ bị mai một ngày càng tăng.

Vì vậy, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tổ chức tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại” nhằm khẳng định giá trị của di sản văn hoá dân tộc Sán Chay trong đời sống cộng đồng, xã hội. 

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại - ảnh 2
Trình diễn trang phục dân tộc Sán Chay tại buổi tọa đàm

Đây là dịp để các bảo tàng, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân dân gian chia sẻ, trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần tiếp tục tôn vinh, bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Sán Chay tới công chúng tham quan tại bảo tàng. 

Qua đóđánh giá về thực trạng về di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại, hoạt động của các CLB, các đơn vị liên quan trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Sán Chay, trên cơ sở những giá trị, thực trạng của di sản văn hoá dân tộc Sán chay, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại.

Đồng thời, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng, thúc đẩy hơn nữa hoạt động giáo dục, trải nghiệm, trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa dân tộc Sán Chay giữa Bảo tàng với công chúng, Bảo tàng với nhà trường, Bảo tàng với nghệ nhân dân tộc Sán Chay, nghệ nhân dân tôc Sán Chay với các nhà nghiên cứu…

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại - ảnh 3
Tái hiện nghi lễ truyền thống dân tộc Sán Chay trong khuôn khổ các hoạt động của tọa đàm

Tại tọa đàm có 16 bài tham luận, ý kiến được trình bày xung quanh vấn đề bảo tồn di sản văn háo dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại. Trong đó có nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng - di sản văn hóa dân tộc Sán Chay - khách tham quan. Từ đó đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục lịch sử văn hóa địa phương, tăng cường gắn kết giữa du lịch với giáo dục di sản văn hóa tại Bảo tàng. Đẩy mạnh liên kết giữa bảo tàng và các công ty lữ hành trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại - ảnh 4
Các di sản văn hoá dân tộc Sán Chay luôn hiện diện sinh động trong đời sống đương đại

Cũng theo bà Tô Thị Thu Trang, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay, cần tích cực quan tâm, hỗ trợ nghệ nhân những người đang nắm giữ tri thức, kinh nghiệm liên quan đến di sản văn hóa của tộc người và động viên khuyến khích họ trao truyền những tri thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Chú trọng mở các lớp truyền dạy, tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn mỗi tỉnh.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay bằng các hình thức phù hợp như trên phương tiện thông tin, mạng xã hội, thông qua các hoạt động trong trường học, đoàn thể thanh niên, mặt trận, công đoàn, phụ nữ phù hợp điều kiện thực tế với từng địa phương.