Giải pháp hiệu quả từ Dự án 6:

Bảo tồn di sản, kiến tạo tương lai cho vùng cao

PHẠM NGÂN

VHO - Thời gian qua, Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã trở thành điểm sáng đầy hy vọng, không chỉ thu hút sự quan tâm từ chính quyền địa phương mà còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng. Với những giải pháp sáng tạo, sát thực tiễn, chương trình đã và đang mang lại sức sống mới, góp phần thay đổi toàn diện về văn hóa, kinh tế tại các vùng cao của Nghệ An.

Bảo tồn di sản, kiến tạo tương lai cho vùng cao - ảnh 1
Dự án 6 đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, sự hưởng ứng của đồng bào DTTS và miền núi

 Sức sống mới trên miền sơn cước

Vùng cao Nghệ An đang từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo mới rạng rỡ đầy sức sống, nhờ vào những tác động tích cực từ Dự án 6 và Chương trình 1719. Không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dự án còn là nhịp cầu kết nối cộng đồng, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tin, thắp sáng hy vọng về một tương lai tươi sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đến cuối tháng 11.2024, các mục tiêu và chỉ tiêu chính của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển hơn 77 tỉ đồng đã được phân bổ hiệu quả cho các hạng mục: Xây dựng, cải tạo và sửa chữa 48 nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Xây dựng 6 công trình du lịch tiêu biểu, góp phần quảng bá văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch; Đầu tư vào 2 dự án lớn, gồm Bảo tồn bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) và tu bổ Nhà cụ Vi Văn Khang (huyện Con Cuông)…

Một trong những dự án nổi bật là xây dựng điểm đến du lịch tại làng Nứa (huyện Tương Dương), nơi bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống và phát triển du lịch trải nghiệm. Đây là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế bền vững.

Nghệ nhân Lương Văn Hải, người đóng vai trò chủ chốt trong việc khôi phục nét văn hóa cổ của dân tộc Thái tại làng Nứa chia sẻ: “Không chỉ giới thiệu bản sắc dân tộc qua những sản phẩm truyền thống như nỏ, sáo hay các vật dụng thủ công, chúng tôi còn cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của du khách đối với văn hóa địa phương. Mỗi lần nghe ai đó hỏi về cách làm hay ý nghĩa của từng món đồ, tôi thấy bản sắc của dân tộc mình được trân trọng hơn. Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án 6, chúng tôi đã bảo tồn được nghề truyền thống và có thêm nguồn thu nhập ổn định…”.

Dự án 6 tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực. Năm 2024, 22 đội văn nghệ đã nhận được kinh phí tài trợ để tổ chức các buổi biểu diễn, lan tỏa dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong đó, các đội văn nghệ tiêu biểu như đội bản Xiềng (huyện Quỳ Châu), nổi bật với điệu múa xòe và hát dân ca; đội bản Hồng Thắng (huyện Kỳ Sơn) với các tiết mục khèn bè và múa sạp… đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng. Bên cạnh đó, 22 nghệ nhân ưu tú cũng được hỗ trợ để truyền dạy các nghề thủ công truyền thống. Điển hình là nghệ nhân Vi Thị Thanh, người đã dày công bảo tồn kỹ thuật chế tác nhạc cụ dân tộc pí thiu, pí bâu…, góp phần gìn giữ âm thanh đặc trưng của đồng bào.

Dưới sự thúc đẩy của Dự án 6, các hoạt động thể thao tại Quỳ Hợp và Thanh Chương đã trở thành điểm nhấn đầy sôi động. Những giải đấu như ném còn, kéo co, đẩy gậy… không chỉ mang đến sân chơi giải trí mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào và tạo điều kiện để các giá trị truyền thống được gìn giữ, phát huy.

Bảo tồn di sản, kiến tạo tương lai cho vùng cao - ảnh 2

Hướng đi mới trong bảo tồn và phát triển

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, mặc dù Dự án 6 đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng nhu cầu thực tế vẫn rất lớn, trong khi việc huy động nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở đã đề xuất một số giải pháp điều chỉnh và định hướng mới cho giai đoạn 2026-2030, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Đối với nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt tại các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đặc thù, Sở đề xuất chuyển đổi nguồn vốn từ sự nghiệp sang vốn đầu tư. Đây là giải pháp cần thiết bởi các nhiệm vụ này đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian triển khai dài hạn. Việc đầu tư đúng mức sẽ giúp bảo tồn lâu dài các giá trị văn hóa quý báu, đồng thời đảm bảo các hoạt động phát triển văn hóa được thực hiện một cách bền vững.

Để bảo tồn hiệu quả, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của văn hóa truyền thống đóng vai trò then chốt. Sở đề xuất đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và giáo dục cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ giá trị của văn hóa bản địa, từ đó cùng tham gia tích cực vào công tác bảo tồn. Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Sở cũng kiến nghị tăng mức đầu tư cho các thiết chế văn hóa tại các huyện vùng sâu như Tương Dương, Con Cuông. Địa hình khó khăn và nhu cầu thực tế đòi hỏi mức đầu tư cao hơn để xây dựng Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các hoạt động văn hóa mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Dự án 6 hướng tới là phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế đã giúp tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cơ hội giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa đặc sắc của miền núi Nghệ An đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành và địa phương để hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đồng thời chủ động xây dựng lộ trình chiến lược cho giai đoạn 2026-2030. Việc bám sát và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong Dự án 6 không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mang lại diện mạo mới cho vùng cao”.