Lai Châu:
Du lịch và văn hóa hòa quyện để phát triển
VHO - Ngày 17.2.2021, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Nghị quyết này đã tạo nền tảng vững chắc, góp phần thúc đẩy những kết quả tích cực trong phát triển văn hóa và du lịch của địa phương…
Văn hóa trở thành nguồn lực phát triển
Lai Châu, tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và khí hậu ôn hòa quanh năm. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở Lai Châu chính là sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa truyền thống của 20 dân tộc anh em, với những lễ hội đặc sắc, trang phục truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực độc đáo và nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là những giá trị văn hóa vô giá, không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương mà còn là một trong những tiềm năng lớn nhất để Lai Châu phát triển du lịch bền vững.
Với quyết tâm đưa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (Nghị quyết 04) về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Để Nghị quyết số 04 đạt hiệu quả cao, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 24- KH/TU ngày 19.3.2021, lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV. HĐND tỉnh cũng đã ban hành 3 nghị quyết (trong đó có Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025); UBND tỉnh ban hành 30 quyết định, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 04. 100% Đảng bộ trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.
Đa dạng các biện pháp thực hiện
Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ tỉnh một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện lớn mang cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Các sự kiện do tỉnh tổ chức thời gian qua đã giới thiệu được những màu sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc để người dân, du khách chiêm ngưỡng, thưởng thức. Từ đó, tạo được dấu ấn khó phai về hình ảnh Lai Châu - vùng đất biên cương của Tổ quốc với bạn bè bốn phương, kích thích họ tìm hiểu và muốn khám phá, chinh phục nơi đây hơn.
Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc được các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu phục dựng. Đến nay, đã có 10 lễ hội được phục dựng, duy trì tổ chức 34 lễ hội ở 8 huyện, thành phố. Năm 2024, huyện Than Uyên đã được nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam là địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất. Huyện Tam Đường được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố quyết định và trao bằng công nhận rừng Đỗ Quyên cổ thụ tập trung trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Lượng khách du lịch cao nhất từ khi chia tách tỉnh
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp văn hóa cũng như du lịch văn hóa phát triển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, năm 2024, toàn tỉnh ước đón 1,359 triệu lượt khách, vượt 20,5% kế hoạch, tăng 30% so với năm 2023, đạt cao nhất từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay.
Đồng chí Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành và người dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết 04; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục xây dựng, nhân rộng và duy trì các cách làm, mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; lựa chọn các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của các dân tộc xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có, độc đáo, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương…
Có thể thấy, việc thực hiện Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh Lai Châu được tiến hành phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, đã góp phần lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy du lịch để phát triển văn hóa. Qua đó, đưa văn hóa ngày càng phát triển lên tầm cao mới và đưa du lịch Lai Châu ngày càng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.