Trang phục đồng bào DTTS - Nét đẹp văn hóa miền sơn cước

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống

THÀNH KHIÊM

VHO - Ngoài một bộ phận đồng bào DTTS tỏ ra kém mặn mà với các bộ trang phục truyền thống (TPTT) của dân tộc mình thì vẫn còn đó những người ngày đêm đau đáu với việc gìn giữ các giá trị truyền thống mà tổ tiên đã để lại. Tuy mỗi cá nhân, tập thể có mỗi cách làm khác nhau, nhưng tựu trung lại đều là vì tình yêu đối với TPTT của dân tộc mình cũng như mong muốn các giá trị của trang phục dân tộc ngày càng được phát huy.

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống - ảnh 1
Các em học sinh người DTTS trường THCS Tân Thượng (huyện Di Linh) trong trang phục truyền thống

Đưa TPTT trở thành đồng phục đến trường

Xuất phát từ mong muốn bảo tồn TPTT của các dân tộc có mặt trên địa bàn, Ban Giám hiệu Trường THCS Tân Thượng (huyện Di Linh) đã có cách làm rất hay, bằng cách khuyến khích các em học sinh mặc TPTT của dân tộc mình khi đến trường.

Được biết, đây là ý tưởng của thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Dũng chia sẻ: “Bản thân tôi có nhiều năm công tác tại Trường Dân tộc Nội trú của huyện. Chính tại đây, đã giúp tôi dành nhiều tình yêu cho văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn, trong đó có TPTT.

Vì thế năm 2021, sau khi được phân công về công tác tại Trường THCS Tân Thượng, tôi nhận thấy các em học sinh ở đây đa số đều là người DTTS nên trong đầu liền nảy ra ý tưởng khuyến khích các em mặc TPTT của chính dân tộc mình để đi học”.

Theo đó, ban đầu nhà trường chỉ thực hiện ở mức độ khuyến khích các học sinh của trường mặc TPTT trên tinh thần tự giác vào ngày thứ 2 đầu tuần và các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng trong năm.

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống - ảnh 2
Việc mặc trang phục truyền thống đến trường vừa tạo nên nét đẹp riêng vừa góp phần bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc

“Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, cũng gặp phải một số trở ngại nhất định như nhiều em học sinh còn có cảm giác e thẹn, ngại ngùng khi mặc đồ dân tộc đến trường. Bên cạnh đó, giá thành của một bộ TPTT là khá cao so mới mặt bằng chung, chính vì thế nhiều phụ huynh đã không đủ tiền để mua TPTT cho con em của mình”, thầy Dũng nhớ lại.

Để khắc phục những khó khăn trên, nhà trường đã thường xuyên thực hiện các công tác động viên, khuyến khích đồng thời khơi gợi cho các em thấy được ý nghĩa tốt đẹp của việc mặc TPTT khi đến trường.

Ngoài ra, đối với những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, không thể sắm được trang phục cho con em mình, nhà trường cũng bằng nhiều cách khác nhau như quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ từ các mạnh thường quân để hỗ trợ trang phục cho các em.

Sau 3 năm triển khai mô hình, đến nay, hầu như tất cả các em học sinh là người DTTS của trường đều đã tự giác mặc TPTT khi đến trường với sự thích thú và niềm tự hào về trang phục của dân tộc mình.

Em Tạ Tấn Tài, một học sinh người là dân tộc Tày của trường hồ hởi: “Em cảm thấy rất tự hào khi được mặc TPTT của dân tộc mình khi đến trường. Ngoài ra, em còn có thể cho các bạn biết được bộ đồ truyền thống của dân tộc mình đẹp và mang ý nghĩa như thế nào”.

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống - ảnh 3
Việc mặc TPTT còn được nhà trường đưa vào một trong những tiêu chí đánh giá, thi đua cho mỗi học sinh, mỗi lớp học

Hiện nay, việc mặc TPTT còn được nhà trường đưa vào một trong những tiêu chí đánh giá, thi đua cho mỗi học sinh, mỗi lớp học.

Được biết, ngoài việc khuyến khích các em mặc TPTT khi đến trường, hiện nay nhà trường còn mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, học tiếng K’ho cho những em có đam mê.

Ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng VH-TT huyện Di Linh đánh giá: “Mô hình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại trường THCS Tân Thượng là một cách làm rất hay và có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các em học sinh về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, mô hình còn tạo sự lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Chính vì thế, thời gian qua ngành chức năng huyện luôn quan tâm động viên về mặt tinh thần cũng như hỗ trợ một phần vật chất đối với các hoạt động bảo tồn tại đây. Đây cũng có thể xem là mô hình điểm cần được nhân rộng tại các trường học, cơ sở giáo dục khác trên địa bàn”.

Khát vọng vươn tầm thổ cẩm của K’Jona

Là một người con của dân tộc K’ho tại Lâm Đồng, chàng trai K’Jona (36 tuổi) với khát vọng đưa trang phục thổ cẩm dân tộc vươn xa, anh đã từ bỏ công việc đầy triển vọng ở nước ngoài để quay về cống hiến cho quê hương.

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống - ảnh 4
Anh K’Jona là trong những gương sáng trong việc tảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của người DTTS

K’Jona cho biết: “Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa thiết kế thời trang của trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tôi đã sang Malaysia làm trợ lý cho một nhà thiết kế có tiếng tại Kuala Lumpur.

Đến năm 2019, khi tích lũy được một số kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, tôi đã quyết định trở về quê hương và khởi nghiệp bằng cửa hiệu áo cưới mang tên Jona Bridal tại Đà Lạt”.

Chính từ cửa tiệm áo cưới này, anh đã có bước đi khá “dị” khi thực hiện hàng loạt mẫu thiết kế độc đáo bằng cách lấy cảm hứng từ những hoa văn, họa tiết trên các tấm thổ cẩm của người K’ho và các dân tộc khác tại địa phương rồi đem thực hành phối lên trên nền vải hiện đại.

Từ đó, tạo nên những mẫu thời trang vừa tinh tế, hiện đại lại vừa giữ được các giá trị truyền thống.

Khi có thời gian, anh lại lang thang khắp các bản làng, các làng nghề dệt thổ cẩm của người DTTS không chỉ riêng ở Lâm Đồng mà cả vùng Tây Nguyên rộng lớn để tìm hiểu, thu thập thêm các mẫu hoa văn, họa tiết mới trên những tấm thổ cẩm của người bản địa về phục vụ cho các mẫu thiết kế của mình.

Hiện những mẫu thiết kế của anh được giới thời trang đánh giá rất cao. Điều đó được minh chứng qua việc đã có nhiều show trình diễn thời trang dân tộc do anh thiết kế được tổ chức.

Bài Cuối: Nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn trang phục truyền thống - ảnh 5
Những mẫu thời trang do K’Jona thiết kế được trình diễn trên đường phố Đà Lạt thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng

Đơn cử như bộ sưu tập thời trang mang tên “Hoa Lang Biang” do anh thiết kế được lựa chọn trình diễn trên Cung đường nghệ thuật tại Đà Lạt vào đầu năm nay đã gây được tiếng vang trong giới thiết kế, cũng như tạo ấn tượng sâu sắc cho người dân địa phương và cả du khách có mặt tại buổi trình diễn.

Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp nhận tiêu thụ các sản phẩm của những làng nghề thổ cẩm giúp tăng thu nhập cho người DTTS, đồng thời góp phần thiết thực vào việc bảo tồn các làng nghề đang mai một dần.

“Nhiều năm nay tôi luôn có một mong ước cháy bỏng là hy vọng một ngày nào đó trong tương lai gần, các bộ TPTT của người K’ho nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung sẽ được cả thế giới biết đến và ưa chuộng. Chính vì thế, bản thân tôi luôn nỗ lực không ngừng để tạo ra những mẫu thiết kế, những bộ thời trang mà khi trình diễn trên sân khấu, người ta có thể dễ dàng nhận ra cái hồn cốt của người Tây Nguyên trong đó”, K’Jona bộc bạch.