Trang phục đồng bào DTTS - Nét đẹp văn hóa miền sơn cước:
Bài 1 - Nhận diện các dân tộc qua trang phục truyền thống
VHO - Là một phần trong vùng đất đại ngàn Tây Nguyên, Lâm Đồng không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.
Ở đó, mỗi dân tộc đều sở hữu cho riêng mình những bộ trang phục truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa riêng biệt, thể hiện phong cách sống và tín ngưỡng của mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà những bộ trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS ngày càng ít được sử dụng và có nguy cơ mai một.
Chính vì thế, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống luôn là một trong những vấn đề cấp thiết cần được thực hiện ngay.
Nằm rải rác trên 2 cao nguyên lớn là cao nguyên Lâm Viên và cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, cộng đồng các dân tộc có nguồn gốc định cư lâu đời tại đây như K’ho, Chu Ru, Mạ, M’nông… từ lâu đã hình thành nên những nét đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa, sinh hoạt, lao động sản xuất… Trong đó, trang phục là một trong những đặc điểm nổi bật nhất để nhận diện từng dân tộc.
Trang phục gần gũi với thiên nhiên
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, trang phục sơ khai của cộng đồng các dân tộc này lúc đầu chỉ là những phần vỏ cây hoặc các loại cây có thân mềm, dẻo dai như tre, nứa. Các cây này được thu thập về rồi sơ chế, đập dập và thiết kế, tạo thành những bộ trang phục như khố, áo hoặc váy... Điều này cũng phản ánh sự gắn bó mật thiết giữa con người bản địa với thiên nhiên.
Càng về sau, khi trình độ và kỹ thuật chế tác được nâng tầm, họ mới bắt đầu biết sử dụng các loại bông, lanh, gai… để tiến hành se chỉ, nhuộm màu và dệt thành những tấm thổ cẩm với hoa văn sặc sỡ và độ thẩm mỹ cao hơn. Từ những tấm thổ cẩm đó sẽ được tạo thành các trang phục cho cả nam lẫn nữ.
Nét chung nhất trong trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn đó là đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu hoặc áo choàng quấn; phụ nữ mặc áo, váy tấm... Bên cạnh đó, trang phục mặc thường ngày cũng sẽ khác so với các trang phục khi tham gia lễ hội hoặc các sự kiện quan trọng của buôn làng, dòng họ.
Ngoài ra, những bộ trang phục làm từ chất liệu hoàn toàn tự nhiên này cũng tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu khi mặc cũng như thuận tiện trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất.
Màu sắc trong trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thường sử dụng các màu chủ đạo là đỏ, đen, xanh đậm và trắng. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là những màu dễ nhuộm hoặc là hoàn toàn tự nhiên mà không cần phải trải qua các công đoạn tẩy, nhuộm màu phức tạp và tốn thời gian.
Hoa văn trên trang phục cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua. Hầu hết các dân tộc đều không sử dụng các hình thức thêu hay in hoa văn lên trang phục mà trong lúc dệt những tấm thổ cẩm sẽ lồng ghép những sợi len với các màu sắc khác nhau tùy theo mục đích mà tạo nên những hoa văn khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung các hoa văn chủ yếu được thể diện dưới dạng hình học đơn giản với các đường thẳng song song, bên cạnh có các đường sóng nước, hình răng cưa, hình ô trám, hình sao… Đối tượng được phản ánh trên các hoa văn chủ yếu về hình tượng cách điệu về thần linh, hình người, chim, muôn thú, cây cối. Mỗi hoa văn thường kể một câu chuyện, một truyền thống, hoặc một giá trị tinh thần của dân tộc mình.
Ngoài ra, các màu sắc trên trang phục của các dân tộc còn phản ánh nhiều giá trị và mang hàm ý nghĩa về các biểu tượng riêng của từng dân tộc thể hiện tư duy về thế giới, về đời sống và về môi trường của từng dân tộc. Ví dụ màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, sự vươn lên; màu đen thể hiện cho đất đai, rúi rừng; màu vàng tượng trưng cho ánh sáng…
Mỗi dân tộc một bản sắc
Bên cạnh một số đặc điểm chung trên trang phục của các dân tộc, thì mỗi dân tộc lại có những nét riêng khá dễ dàng để nhận diện.
Ví dụ, với trang phục của người đàn ông Mạ - những người thường để tóc dài búi sau gáy, ở trần, đóng khố. Khố cũng có nhiều loại khác nhau về kích thước và hoa văn trang trí. Loại khố trang trọng có đính hạt cườm, tua dài. Bên cạnh đó, họ còn mặc áo chui đầu, xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước che kín mông. Áo có các loại áo dài tay, ngắn tay và cộc tay.
Trong khi đó, người phụ nữ thường mặc váy và sử dụng kiểu áo chui đầu. Áo nữ mặc vừa sát thân, dài tới thắt lưng, không xẻ tà, vạt trước và sau bằng nhau; cổ áo tròn thấp. Áo có hình chữ nhật, màu trắng. Nửa thân dưới vạt áo trước và sau được trang trí hoa văn các màu đỏ, xanh, theo bố cục dải băng ngang với các mô típ hoa văn hình học. Chiều dọc hai bên mép áo được dệt viền các sọc trang trí. Váy được dệt, trang trí hoa văn với những phong cách bố cục đa dạng.
Về cơ bản là các sọc: màu xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền chàm, chủ yếu là hoa văn hình học theo nguyên tắc bố cục dải băng ngang truyền thống. Có trường hợp nửa trên váy dệt trang trí hoa văn kín trên nền sáng (trắng) với hoa văn hình học màu đỏ, xanh.
Về trang phục người K’ho, cũng có những nét tương đồng với người Mạ như nam giới thường đóng khố với kích thước dài ngắn khác nhau. Khố được đóng theo hình chữ T, có màu xanh đen, trang trí hoa văn đơn giản dọc theo rìa mép, đôi khi còn đính thêm những chuỗi hạt cườm và để những dải tua dài.
Cả nam và nữ đều thường mặc áo chui đầu, áo nữ mặc vừa sát vào thân và dài tới thắt lưng. Áo nam thường rộng hơn một chút, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước, áo có các loại: áo ngắn tay, áo cộc tay hở nách. Mùa lạnh người già thường khoác thêm một tấm mền cho ấm. Váy của phụ nữ K’ho khác với phụ nữ Mạ ở chỗ: váy dệt trang trí hoa văn trên nền tối (xanh đen) với hoa văn hình học màu đỏ, trắng.
Váy và áo của người K’ho thường có màu xanh đen, hoa văn trang trí gồm những đường hoa văn hình học, trang trí hình động vật…
Người Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng không có nghề dệt, nhưng trang phục truyền thống rất đặc trưng, vì từ hàng trăm năm trước, họ đã biết sử dụng các loại sản phẩm dệt của người Chăm, người K’ho để tạo kiểu dáng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, trang phục truyền thống của người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với các dân tộc Mạ, K’ho và Chăm.
Bộ trang phục truyền thống của người đàn ông Chu Ru, từ tấm choàng, quần dài, tấm khăn quấn đầu thường có nền trắng. Nữ thường mặc áo sơ mi khoác một tấm choàng trắng, váy màu xanh đen và đeo các trang sức rất đặc trưng.
Có thể nói, thông qua trang phục truyền thống của các dân tộc kể trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận nhận diện được người mặc trang phục đó thuộc dân tộc nào. Đó vừa là cách giúp phân biệt đối với từng dân tộc vừa góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc tại Lâm Đồng - Tây nguyên nói riêng và các dân tộc trên địa bàn cả nước nói chung.