Trang phục đồng bào DTTS - Nét đẹp văn hóa miền sơn cước:

Bài 2 - “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một

THÀNH KHIÊM

VHO -Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, những các bộ trang phục truyền thống của các DTTS không chỉ riêng tại Lâm Đồng, khu vực Tây nguyên mà còn ở phạm vi cả nước ngày càng ít được sử dụng và có nguy cơ mai một. Chính vì thế, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống luôn là một trong những vấn đề cấp thiết cần được thực hiện ngay.

Bài 2 -  “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một - ảnh 1
Trang phục truyền thống của người DTTS không còn được mặn mà dẫn đến nguy cơ bị mai một

“Quay lưng” với trang phục của dân tộc mình

Thực tế đáng báo động tại địa phương Lâm Đồng cho thấy, ngày càng nhiều người DTTS không còn thích mặc trang phục dân tộc của chính dân tộc mình nữa.

Từ việc coi trang phục dân tộc là lỗi thời, lạc hậu, thiếu tiện dụng nên không chỉ giới trẻ mà cả người lớn tuổi ở một số nơi cũng kém mặn mà với những bộ trang phục này.

Thay vào đó, hầu hết người DTTS hiện nay chọn cách ăn mặc theo kiểu hiện đại không chỉ trong đời sống hằng ngày và ngay trong những lễ hội quan trọng.

Hiện nay, việc mặc trang phục dân tộc các dân tộc hầu như chỉ xuất hiện nhiều trong các lễ hội phục dựng từ chính quyền, các chương trình biểu diễn, các hoạt động sân khấu hóa…

Đó còn chưa nói đến việc nhiều bộ trang phục truyền thống khi trình diễn trên sân khấu bị đối xử theo lối phô trương, lòe loẹt, phản thẩm mỹ, sai lệch về bản sắc... dẫn đến những ngộ nhận, nhầm lẫn của công chúng về cách thức trang phục nguyên bản.

Thậm chí, ngay tại chính trong nhiều bản làng ở vùng sâu vùng xa, nơi tập trung đông người DTTS và chịu ít các tác động của quá trình có đan xen văn hóa, vẫn xuất hiện tình trạng trang phục dân tộc  bị khước từ khỏi đời sống hằng ngày.

 Nhiều người cho rằng, sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục dân tộc  không chỉ bất tiện cho công việc, sinh hoạt, mà gây tốn kém. Trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ.

Điều đó thật sự là vấn đề đáng lo ngại về nguy cơ xa rời các giá trị truyền thống cũng như đánh mất hoàn toàn cội nguồn văn hóa dân tộc trong tương lai.

Bài 2 -  “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một - ảnh 2
Hiện nay trang phục truyền thống đa số chỉ xuất hiện dưới dạng sân khấu hóa

 Cùng với đó, là việc nhận biết bản sắc, định danh dân tộc qua cách ăn mặc hằng ngày trở nên khó khăn hơn.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Một thực trạng chung hiện nay do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ. Đa số đồng bào các dân tộc đã thay đổi thói quen mặc trang phục dân tộc  bằng bộ trang phục phổ thông; phổ biến nhất vẫn là lớp trẻ”.

Bên cạnh đó, ông Hoài còn chỉ ra một số nguyên nhân khác như do quá trình đô thị hóa ngày càng sâu rộng dẫn đến diện tích đất canh tác trồng cây nguyên liệu cho nghề thủ công truyền thống của đời sống đồng bào các DTTS càng ngày bị thu hẹp.

Nghề dệt, nhuộm thủ công truyền thống chưa quan tâm sản xuất nguyên liệu, đổi mới trang thiết bị, quảng bá và giới thiệu sản phẩm...

Sự thương mại hóa có tác động ngày càng sâu rộng đến các bản, làng vùng đồng bào các DTTS.

Sự tiện lợi, thời gian hoàn thành bộ trang phục, giá thành về sản phẩm trang phục truyền thống đắt gấp nhiều lần so với trang phục bán trên thị trường…

Bài 2 -  “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một - ảnh 3
Nhiều chính sách về bảo tồn văn hoá được chính quyền tỉnh Lâm Đồng quan tâm, chú trọng

“Ngoài ra, sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự du nhập các loại hình văn hóa thông qua Internet, phim, ảnh và các trang mạng xã hội, khách du lịch... đã tác động không nhỏ đến nhận thức và thói quen sử dụng trang phục dân tộc  của người dân”, ông Hoài cho biết thêm.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo tồn và phát huy giá trị

trang phục dân tộc của các DTTS đã và đang là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách văn hóa của chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Chính vì thế, trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc của đồng bào các DTTS có tính thực tiễn cao.

Đặc biệt chú trọng triển khai các chính sách nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của trang phục dân tộc trong cộng đồng DTTS, đặc biệt là giới trẻ; hỗ trợ cơ sở vật chất và các mặt phục vụ cho phát triển các làng nghề truyền thống, giúp các cộng đồng DTTS có thêm thu nhập từ việc duy trì các nghề thủ công truyền thống.

Bài 2 -  “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một - ảnh 4
Những hội thi đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục dân tộc

Theo ông Trần Thanh Hoài, hiện nay nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đã được đưa vào diện loại hình văn hóa tiêu biểu cần được bảo tồn, phát huy và phát triển bằng cách xây dựng cơ chế bảo tồn như kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện giá trị của các loại hình văn hoá truyền thống tiêu biểu này.

Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, lễ hội văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho các cộng đồng DTTS trưng bày và giới thiệu những bộ trang phục dân tộc của mình. Các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn trang phục mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của những bộ trang phục dân tộc.

Ngoài ra, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Dự án 6 cũng được đặc biệt quan tâm. Bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xã hội tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trang phục dân tộc, đặc biệt là trong ngành Du lịch.

Bài 2 -  “Khước từ” trang phục truyền thống và nỗi lo mai một - ảnh 5
Trang phục đồng bào DTTS, nét đẹp văn hóa miền sơn cước

Các sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng mà còn trở thành món quà du lịch đặc trưng, góp phần quảng bá văn hóa DTTS của địa phương ra thế giới.

“Đây vừa là phương thức bảo tồn sống di sản văn hoá, vừa khắc phục sự đơn điệu, tính thời vụ, mặt hạn chế về vòng đời của sản phẩm du lịch, tạo ra loại hình du lịch có hàm lượng giá trị văn hoá cao” ông Hoài nhấn mạnh.

Cho đến nay, các chính sách này đã và đang không chỉ góp phần bảo tồn

trang phục dân tộc  các dân tộc trên địa bàn, mà còn tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng các DTTS của địa phương.

Ý kiến bạn đọc