Động lực phát triển từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài cuối):

Tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa

NHÓM PHÓNG VIÊN; ảnh: QUỐC HỘI

VHO - Hôm nay 3.6, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trước thềm phiên họp quan trọng này, nhiều đại biểu, cử tri bày tỏ Chương trình sớm được phê duyệt để văn hóa thực sự tương xứng với vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

 Tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa - ảnh 1

 Hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa và tính cấp thiết cao

Trao đổi với Văn Hóa, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị có tính cấp thiết.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với 10 nội dung thành phần gồm phát triển con người Việt Nam cónhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; Phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền vềChương trình.

Cùng với đó sẽ là các giải pháp căn cơ, toàn diện và phù hợp trong từng nhóm lĩnh vực. Vì vậy, nếu được Quốc hội thông qua, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, đây sẽ là Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời truyền bá, lan tỏa và phát huy những giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa của dân tộc, cụ thể hóa quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thành công Chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Tôi mong rằng, chủ trương đầu tư Chương trình có tính cấp bách này khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặc biệt là thực hiện một cách toàn diện, sâu sắc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021”, đại biểu Nguyễn Hải Anh nêu quan điểm. Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cũng kỳ vọng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ chú trọng đến giới trẻ, tạo ra được bước đột phá trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực thụ hưởng và tham gia chủ động vào hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân, xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh, văn minh, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 Tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa - ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Hải Anh

Cử tri và nhân dân phấn khởi trông đợi vào Chương trình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phân tích bức tranh toàn cảnh về văn hóa nông thôn hiện nay. Trong đó, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh này còn nhiều điểm tối đáng lo ngại, để lại không ít băn khoăn. Đâu đó vẫn còn những biểu hiện “lệch chuẩn” về văn hóa. Tình trạng coi nhẹ văn hóa, coi văn hóa là cờ, đèn, kèn, trống, là đóng đinh, leo thang, là múa may, hát sướng, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế.

Hậu quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp. Cùng với đó là những biến đổi làm cho cảnh quan làng xã, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp; các ngôi nhà cao tầng đóng kín cửa trong đó có khi bị chi phối bởi những luồng tư tưởng xấu độc. Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan.

“Đối với phát triển văn hóa, trước đây đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia. Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình có tính chất vốn mồi đã đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Sau năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm nhưng luôn ở mức thấp và thiếu chính sách xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cử tri và nhân dân rất phấn khởi trông đợi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, kỳ vọng rất lớn tại kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, quyết định để khi được triển khai thực hiện sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa”, đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Nêu dẫn chứng thuyết phục về sự thành công nhân dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch Điện Biên cũng như làm sáng rõ hơn các giá trị về văn hóa, lịch sử của vùng đất này, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) mong rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ được phân bổ đủ vốn để giúp các địa phương bảo tồn, phát huy, gìn giữ các giá trị của văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng nêu quan điểm, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng và ban hành một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mang tính tổng thể, bao quát để giải quyết các điểm nghẽn trong thực tiễn hiện nay. Việc Chính phủ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng, có tính chất dẫn dắt, định hướng, với giải pháp căn cơ và lâu dài để ngành văn hóa phát triển xứng tầm với kinh tế và chính trị.

Với sự cấp thiết của một Chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng là sẽ tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, hy vọng Chương trình sẽ sớm được Quốc hội thông qua và triển khai trong thời gian tới. 

 Chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. “Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, đây là Chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội. Qua các ý kiến cho thấy, địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.