Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa:

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay

TÙNG QUANG; ảnh: Q.H - XUÂN TRẦN

VHO - Thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng Chương trình giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Chương trình đã được Chính phủ, Bộ VHTTDL rất tích cực, dày công chuẩn bị

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay - ảnh 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Đây là Chương trình hết sức quan trọng, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021...

Chiều ngày 8.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;...

Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Phiên thảo luận tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là Chương trình hết sức quan trọng, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (vào tháng 12.2021). Tiếp đó, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu, nghiên cứu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng Chương trình này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá rất cao Chương trình đã được Chính phủ, Bộ VHTTDL rất tích cực, dày công chuẩn bị nội dung. Chương trình đã được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ một số nội dung cơ bản cần triển khai khi Quốc hội thông qua Chương trình. Theo đó, Chính phủ phải cụ thể hóa từng chương trình, từng dự án, từng đề mục để thực hiện hiệu quả trên thực tiễn.

Nhắc lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”; “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc ”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bao giờ ba vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa cũng cần đi liền, gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, văn hóa cần phải được phát triển xứng tầm.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay - ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị nên chọn các dự án trọng điểm đầu tư vào 3 nội dung di tích, di sản; thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa  nhằm tạo bước đột phá về phát triển văn hóa

Thảo luận tại tổ 3, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 nhằm khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Các ý kiến nêu rõ, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần kiểm tra, rà soát thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có chồng chéo với các Chương trình khác hay không? Đặc biệt, phải đảm bảo không thay đổi các nhiệm vụ văn hóa thường xuyên. Cần xem xét đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng chương trình cho phù hợp, đồng thời lưu ý không lặp lại các khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh tình trạng mỗi Bộ, ngành có cách làm khác nhau thì phải sửa đổi liên tục, hoặc viện dẫn không đúng.

Cho rằng Chương trình không nên đầu tư dàn trải mà tập trung trọng tâm vào 3 nội dung: di tích, di sản; thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nên chọn các dự án trọng điểm đầu tư vào 3 nội dung này nhằm tạo bước đột phá về phát triển văn hóa. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ VHTTDL cần tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm đối với 3 nội dung này.

Việc đầu tư xây dựng Chương trình là rất cần thiết

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay - ảnh 3

Thảo luận tại tổ 12, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết

Thảo luận tại tổ 12, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Chương trình nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình cũng góp phần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để tránh chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đại biểu cho rằng, cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hoá. Bên cạnh đó là phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi của Chương trình. Đánh giá toàn diện về hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong tương quan với đầu tư của toàn xã hội để xác định các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tại tổ 2 còn đóng góp ý kiến vào các nhiệm vụ cụ thể, cơ chế, giải pháp; triển khai các nội dung thành phần của Chương trình; phạm vi quy mô, thời gian để thực hiện Chương trình sao cho đúng tiến độ và hiệu quả nhất.

Chương trình sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay - ảnh 4

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: "Chương trình sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa..."

Thảo luận tại tổ 10, nhiều đại biểu thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.  Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, nếu tổ chức thực hiện hiệu quả, Chương trình sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của chương trình nhưng tranh thủ phù hợp nguồn lực các chương trình khác.

Qua rà soát việc bảo đảm chính sách dân tộc của Chương trình, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy, tại Nội dung 4 về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chưa thể hiện rõ các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Cho ý kiến về thời gian thực hiện Chương trình, Tờ trình của Chính phủ đề xuất thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia thành 3 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1, năm 2025; giai đoạn 2, từ 2026 - 2030; giai đoạn 3, từ 2031 – 2035, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tán thành với ý kiến đề xuất của Chính phủ  và cho rằng, cách phân chia như vậy là hợp lý, có thời gian để các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị thực hiện Chương trình  vào năm 2025. Tuy nhiên, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng, phân công, phân cấp rõ ràng các cơ quan liên quan phụ trách và bố trí nguồn lực đảm bảo Chương trình thực hiện theo đúng lộ trình và thời gian tránh như các chương trình mục tiêu vừa qua.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm, việc triển khai Chương trình ở thời điểm hiện nay là phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”; đồng thời, đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển của đất nước hiện nay.

Khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia

Tại tổ 5, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ và cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội 10 năm 2021 - 2030; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Rất cần thiết, sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay - ảnh 5

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai: Chương trình nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đồng thời cho rằng, Chương trình nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng tán thành với sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm góp phần đáp ứng đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước về phát triển văn hóa Việt Nam như Kết luận số 42 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 572 của Quốc hội và Nghị quyết số 68 của Quốc hội… Đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền tư tưởng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Ý kiến bạn đọc