Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035:
Tổng nguồn vốn đầu tư là phù hợp
VHO - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGD về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trình bày trước Quốc hội vào hôm 3.6 đã nhấn mạnh như trên. Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định, tổng nguồn vốn này là phù hợp, ngân sách nhà nước có khả năng đáp ứng được.
Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGD tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
“Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh. Về trình tự, thủ tục xây dựng Chương trình, Ủy ban nhận thấy việc xây dựng, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình về cơ bản đã tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hồ sơ về Chương trình đã được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở tiếp thu góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan, Ủy ban cho rằng, Chương trình được xây dựng cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và một số chiến lược có nội dung liên quan.
Đối với hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình, Báo cáo thẩm tra nhận thấy việc xây dựng Chương trình sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nội dung này chưa được đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể, đầy đủ trong Hồ sơ. Đây là những căn cứ quan trọng để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của Chương trình; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ và sâu sắc hơn các tác động của Chương trình. Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, Báo cáo thẩm tra nêu, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Về thời gian thực hiện Chương trình, đa số thành viên Ủy ban VHGD tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện Chương trình.
Với mục tiêu của Chương trình, Ủy ban nhận thấy các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Về các nội dung thành phần của Chương trình, Ủy ban nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh được đầy đủ yêu cầu về lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Ngân sách nhà nước đáp ứng được tổng vốn đầu tư
Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, trong đógiai đoạn 2025-2030, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỉ đồng.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia được tham chiếu, cân đối để bố trí nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2.455.212 tỉ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 9.632 tỉ đồng). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 48.000 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 28.000 tỉ đồng).
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng vốn ngân sách Trung ương: 104.954,011 tỉ đồng. Vốn đầu tư: 50.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỉ đồng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay trong giai đoạn 2021-2025 là 192.586 tỉ (100.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, 92.586 tỉ đồng vốn sự nghiệp). Đối chiếu các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay với 9 nhóm nội dung của Chương trình, Bộ VHTTDL đề xuất tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 77.000 tỉ đồng. Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định, tổng nguồn vốn đầu tư của Chương trình là phù hợp, ngân sách nhà nước có khả năng đáp ứng được.
Phương pháp tính toán nhu cầu nguồn vốn được Ban soạn thảo xác định trên cơ sở tổng hợp kinh phí từ các Bộ, ngành, địa phương, rà soát, đối chiếu khả năng cân đối vốn với các Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện, xây dựng các nhóm dự án thành phần để xác định nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chính phủ xác định nhu cầu vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình căn cứ vào định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030; mục tiêu “phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm” theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Vì thế việc cân đối tổng nguồn vốn cho Chương trình đã được tính toán khoa học, kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Đề nghị được triển khai ngay sau khi Quốc hội phê duyệt
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vào sáng 3.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035.
“Nhằm cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Chính vì vậy việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tờ trình cũng cho biết, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau và được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần; 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Vì vậy Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Tờ trình cũng nêu rõ, để đảm bảo tập trung nguồn lực và thống nhất quản lý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tập trung các nội dung về văn hóa thuộc dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2026-2030 (đề xuất này cũng đã được sự đồng thuận của Ủy ban Dân tộc). Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững có nội dung liên quan đến đầu tư cho lĩnh vực văn hóa: Hai chương trình này chỉ phê duyệt đến giai đoạn 2021-2025 nên việc thực hiện các nội dung trên trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đảm bảo không trùng lặp.