Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
VHO - Chiều 8.6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Góp ý cho chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Nàng Xô Vi (ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, bà thống nhất với chủ trương ban hành, tên gọi, đối tượng của Chương trình.
"Tôi thấy điều đáng mừng là theo dự thảo Chương trình thì người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng, miền của Tổ quốc từ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn đều là đối tượng thụ hưởng. Trong số mục tiêu tổng quát của Chương trình, tôi đặc biệt quan tâm tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc", đại biểu Nàng Xô Vi cho hay.
Từ đó, bà đề nghị cơ quan soạn thảo, xác định rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại đang tồn tại, được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng, xã hội.
Cũng theo đại biểu tỉnh Kon Tum, chúng ta cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực của các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ đó, có sự quan tâm ưu tiên về nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần tốt nhất cho phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Về sự trùng lặp mục tiêu, đối tượng thụ hưởng giữa Chương trình này với các chương trình, dự án khác, đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện với Chương trình này.
Để xử lý việc trùng lặp nêu trên, bà đề nghị Quốc hội thống nhất cho phép chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các Chương trình của Chính phủ liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026-2030, để thực hiện thống nhất trong Chương trình này.
Cũng góp ý cho Chương trình, đại biểu Leo Thị Lịch (ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ, bà đồng tình với quan điểm, mục tiêu trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, như trong nội dung dự thảo. Bà cũng nhất trí cao với các nội dung đề xuất, chủ trương đầu tư, cũng như các mục tiêu mà Chương trình đề ra.
Bà đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm đề xuất về việc chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sang Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá do có tính chất giao thoa giữa hai Chương trình. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguuyễn Văn Hùng - đại biểu tỉnh Kon Tum đã có giải trình đầy đủ, chi tiết.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đánh giá đây là Chương trình có ý nghĩa, càng được triển khai sớm càng tốt. Dự thảo Chương trình cũng đề ra những cơ chế, chính sách đầy đủ. Đặc biệt việc Chính phủ phân cấp mạnh cho các địa phương sẽ tạo sự thuận lợi trong phát triển văn hoá và sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao.
Góp ý cho các nội dung cụ thể, đại biểu cũng cho rằng trong dự thảo, tại nước ngoài, Chương trình chỉ được khoanh vùng thực hiện ở các Trung tâm văn hoá. Vậy ở những nước không có Trung tâm văn hoá Việt Nam thì sao? Từ đó đại biểu đề nghị nên mở rộng diện thụ hưởng Chương trình tại nước ngoài, không chỉ ở các Trung tâm văn hoá.
Đồng ý với 7 mục tiêu và 10 nội dung thành phần, đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị về nội dung phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần chú ý xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam giúp cho mỗi người càng thêm tự hào và có ý thức thực hiện, rèn giũa để luôn thể hiện được hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam khi sinh sống, hoạt động ở trong nước cũng như quốc tế.