Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư

QUỲNH HOA - ĐÌNH TOÁN

Cụ bà 77 tuổi bắt xe từ Hà Nam đến viếng

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 1

Trong buổi sáng ngày 25.7, trong dòng người chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiếc xe ôm công nghệ từ từ đỗ lại, một cụ bà dáng người thấp nhỏ, lập cập “bò” xuống xe. Thấy vậy, những người xung quanh liền đỡ bà xuống xe và dìu bà vào bờ rào một cơ quan gần đó. Trong câu chuyện của mình, bà vẫn tỏ ra minh mẫn, rành mạch cho biết mình tên là Tạ Thị Lê, sinh năm 1947, quê ở huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Mặc dù cao tuổi và ở xa nhưng bà thương nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên một mình bắt xe khách lên Hà Nội. “Sáng sớm nay, ở đầu làng có xe ô tô đi Hà Nội nên tôi một mình bắt xe. Con cháu biết và chuẩn bị đồ ăn cho tôi. Tôi không muốn cho con cháu đi cùng vì chúng còn bận công việc, sẽ nôn nóng, giục tôi về. Nên một mình tôi thì chờ đến khi nào viếng bác xong thì về”, bà tâm sự. Động lực thôi thúc bà từ xa đến viếng Tổng Bí thư vì tâm niệm rằng, ông là người làm cho đất nước giàu mạnh, dân được cơm no áo ấm, con cái được học hành không như thế hệ chúng tôi. Vì thế khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bà muốn thắp một nén hương tới hương linh của bác.

(Bà TẠ THỊ LÊ, Hà Nam)

Cầu nguyện để Tổng Bí thư thanh thản về cõi Phật

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 2

Bắt xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội lúc tới là 9h30, bà Hà Thị Tuyết đã có mặt tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia để chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà Tuyết chia sẻ, việc chờ đợi được viếng Tổng Bí thư cho dù có lâu đến mấy bà cũng chờ, chờ cho đến khi linh cữu Tổng Bí thư được đưa đi an táng bà mới trở về nhà. Xúc động nói về Tổng Bí thư, bà Tuyết rưng rưng: “Bác Nguyễn Phú Trọng đúng là học trò xuất sắc của Bác Hồ, chỉ mong muốn người dân ấm no hạnh phúc. Khi ti vi báo tin bác mất, tôi lặng người, trái tim nhói lại, tôi vẫn không thể tin được. Tôi mở trang tin báo chí, trang tin facebook để theo dõi nhân dân ca ngợi bác, tôi lại chảy nước mắt, cầu nguyện để bác thanh thản về cõi Phật”.

(Bà HÀ THỊ TUYẾT, Thanh Hóa)

Tôi gửi một nén nhang vái vọng hương linh của “Cụ”

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 3

Ông Bùi Văn Thắng (sinh năm 1960, Hạ Long, Quảng Ninh) cũng sắp xếp công việc từ hôm trước để 10h sáng có mặt tại Hà Nội. Ông Thắng cho hay, có con gái ở Hà Nội, nhiều lần gọi điện mời lên chơi nhưng ông từ chối. Tuy nhiên, khi biết thời gian tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông phải đi ngay. “Tôi cũng là người cầm súng bảo vệ biên giới Tổ quốc, chỉ mấy tháng mà cực khổ lắm, bao nhiêu chiến sĩ đã nằm xuống nên rất trân trọng giá trị quý báu của nền độc lập, tự do của dân tộc. Sau đó là thời kỳ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nhưng nhiều người đi lệch hướng và Tổng Bí thư là “người đốt lò” vĩ đại điều chỉnh lại sự lệch lạc ấy.

Gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Cụ”, ông Thắng cho hay: “Tôi học tập ở Cụ nếp sống giản dị, cần cù, không vụ lợi, luôn luôn nghĩ cho người khác. Cụ nói là làm, làm quyết liệt trong công cuộc chống tham nhũng vì đất nước, vì nhân dân. Theo dõi thời sự, tôi thấy Cụ mặc chiếc áo từ thời còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội, vậy mà trải qua bao nhiêu năm đến bây giờ vẫn mặc. Qua báo chí, tôi thấy ảnh Cụ ngồi gói bánh chưng cùng gia đình và con cháu, rồi “Cụ” viết cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Dù công việc luôn bận rộn, nhưng Cụ vẫn dành thời gian tự tay gói bánh chưng nhằm giáo dục văn hóa Tết truyền thống của dân tộc cho con cháu, lưu truyền cho mai sau. Tôi gửi một nén nhang vái vọng hương linh của “Cụ”, tôi đã thỏa lòng”.

(Ông BÙI VĂN THẮNG, Quảng Ninh)

Em rất tự hào khi được học tại trường ĐH mà xưa kia bác Tổng Bí thư đã học

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 4

Trần Hải Nam (sinh năm 2005, du học sinh tại Nga) là một trong những người trẻ tuổi xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư từ rất sớm. Nam cho biết mình vừa về Việt Nam từ đầu tháng 7, và nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời cảm thấy rất hụt hẫng. Nhiều năm trước, trong chuyến thăm và làm việc tại Nga, Tổng Bí thư đã đến gặp gỡ và trò chuyện cùng thanh niên, sinh viên tại đây. Mặc dù không được tham dự buổi gặp gỡ đó nhưng Nam cũng thấy rất tự hào. Em rất nhớ những lời mà bác Tổng Bí thư căn dặn thanh niên, sinh viên Việt Nam, đặc biệt là trong Đại hội Đoàn lần gần nhất. Đó cũng là kim chỉ nam cho du học sinh chúng em thực hiện vừa là học tập vừa sinh hoạt cũng như vững tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là động lực để du học sinh phấn đấu học tập và quay trở về quê hương phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.

(Sinh viên TRẦN HẢI NAM)

Nói bao nhiêu cho đủ về sự mất mát này đây

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 5

Có mặt tại ngã tư Lê Thánh Tông - Trần Hưng Đạo, gần khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia từ 6h sáng, bà Nguyễn Thị Thuyết (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng chờ để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ ngày nghe tin Tổng Bí thư từ trần, trong người phụ nữ đã ngoài 60 là sự tiếc thương một nhân cách lớn mang tầm thời đại. Bà cho biết: “Nói bao nhiêu cho đủ về sự mất mát này đây”. Nhắc đến Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Thuyết trực trào nước mắt: “Nghe tin bác mất, tôi cảm giác như mất người thân trong gia đình, thương bác lắm. Những ngày này, tôi chỉ mong được vào viếng để tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư đã luôn hết lòng vì dân, vì nước. Dù phải chờ đến tối, tôi cũng sẽ chờ. Khi Tổng Bí thư còn, tôi chưa một lần được gặp bác. Khi bác mất, tôi tha thiết được gặp bác lần cuối”.

(Bà NGUYỄN THỊ THUYẾT, Hà Nội)

Gần dân, trọng dân, hiểu dân

  Những trái tim hướng về hương linh Tổng Bí thư - ảnh 6

Trong lúc chờ vào viếng, bà Phùng Thị Thoa ở Phùng Hưng (Hà Nội) lặng nhìn chiếc điện thoại để theo dõi những hình ảnh bên trong nhà tang lễ. Mắt ngấn lệ, bà Thoa nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khiêm tốn, giản dị nhưng lại có ý chí làm việc kiên định, hành động quyết liệt. Đặc biệt lúc sinh thời, bác rất quan tâm đến xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Cùng với đó, Tổng Bí thư luôn chú trọng chăm lo cho người có công, người cao tuổi. “Đi xe cũ, mặc áo sờn chỉ, phòng làm việc thì đơn sơ, Tổng Bí thư dù là lãnh đạo tối cao của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn giữ lối sống rất giản dị; trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân!”, bà Thoa rưng rưng nước mắt.

(Bà PHÙNG THỊ THOA, Hà Nội)