Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sâu thẳm lòng dân
VHO - Trong niềm tiếc thương vô hạn, người dân từ khắp nơi không quản ngại đường sá xa xôi để có mặt sớm nhất tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người “in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”.
Bốn giờ sáng 25.7, Hà Nội lắc rắc mưa và có cái lạnh se sắt khác thường sau những ngày mưa tầm tã, nhóm phóng viên Văn Hóa đã có mặt bên ngoài Nhà Tang lễ Quốc gia. Dẫu chẳng bất ngờ nhưng không khỏi ngạc nhiên khi giờ ấy lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn Lễ Quốc tang đã áo mũ chỉnh tề đứng chốt tại các điểm chung quanh số 5 Trần Thánh Tông. Trên nét mặt nghiêm trang của các anh, ai ai cũng đượm buồn.
Dù đường có xa xôi, vẫn tìm cách ra viếng bác bằng được
“Chúng tôi lập chốt từ lúc 3h30”, anh Hiếu, Cảnh sát cơ động vội vã trả lời mà chẳng kịp giới thiệu tên đơn vị rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. “Đau buồn lắm, tiếc thương lắm, nên càng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất”, anh ngậm ngùi.
Hôm qua 25.7, Đảng và Nhà nước cử hành trọng thể Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hỗ trợ các lực lượng công an, cảnh sát là gần 4.000 thanh niên tình nguyện tham gia phân làn, phân luồng, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn các đoàn và nhân dân gửi phương tiện khi đến viếng Tổng Bí thư. Anh Đức Anh, đoàn viên đoàn thanh niên phường Bạch Đằng, xúc động tới nỗi không nói nên lời. Trong giọng ứa nghẹn của Đức Anh, chúng tôi chỉ kịp nghe câu: “Cầu mong trời không còn mưa để người dân đến tiễn bác Trọng đỡ vất vả”.
Cách đó không xa, đội dân quân tự vệ hàng ngũ ngay ngắn để tham gia đảm bảo an ninh trật tự. Ông Phạm Tiến Quang, Phó Chỉ huy Quân sự phường Bạch Đằng cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức đứng chốt từ nhiều hôm. Hôm nay là ngày quan trọng nhất nên càng phải chỉnh tề, nghiêm trang. Hôm nay sẽ rất nhiều đoàn và người dân đến viếng, chúng tôi phải tập trung cao độ”. Không chỉ lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn, những cô lao công đảm bảo vệ sinh môi trường cũng tất bật, tỉ mẩn hơn mọi ngày. Từng chiếc lá rơi trên đường đều quét dọn sạch sẽ. Vốn chẳng giỏi ăn nói, chị lao công Nguyễn Thị Thúy cho biết đã làm công việc này gần 10 năm qua, nhưng hôm nay cảm giác thiêng liêng lạ thường. Như anh Hiếu, anh Quang hay Đức Anh, chị chỉ mong góp chút công sức bé nhỏ cho Lễ Quốc tang của Tổng Bí thư diễn ra trọn vẹn.
Năm giờ sáng, tiếng chổi xào xạc của một cụ bà bên vỉa hè đường Trần Khánh Dư thu hút sự chú ý của chúng tôi. Bà Lê Thị Hiền (Lương Yên) đang lúi húi quét nốt những quả bàng vừa rụng sát lề đường. “Nhỡ ai đến viếng bác Tổng Bí thư lại giẫm phải”, bà nói. Chưa kịp nói tiếp câu thứ hai, bà Hiền bật khóc nức nở. “Biết rằng sinh lão bệnh tử là điều không tránh khỏi nhưng cứ nhắc đến bác Trọng là không hiểu sao tôi lại không kìm được nước mắt. Bác là vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn, người luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết. Bác đi, tôi đau xót lắm! Chỉ biết góp chút công sức nhỏ bé bằng cách dậy sớm quét dọn đường sá cho mọi người đi lại trong những ngày Quốc tang”.
Chỉ mới tờ mờ sáng chưa rõ mặt người, những đoàn người đã lần lượt tìm đến xung quanh Nhà Tang lễ Quốc gia. Đủ mọi lứa tuổi, từ cụ cao niên đến em nhỏ, những giọt nước mắt chẳng thể kìm nén được, cứ thế lăn dài. “Bà cháu tôi đi xe máy lên Hà Nội tối qua. Trời mưa to lắm”, bà Phạm Thị Hương (Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên), đi cùng cháu nội Tùng Lâm (7 tuổi), nói trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. “Tôi giấu con để đi vì già rồi, sợ có mệnh hệ gì. Hôm nay tôi ở đây viếng, mai về Mai Dịch để tiễn bác. Dù biết bác Trọng đã ra đi, nhưng trong nỗi đau của dân tộc, tôi hy vọng thế hệ con cháu mai sau sẽ học tập tấm gương đạo đức của bác Tổng Bí thư để tiếp tục xây dựng non sông Việt Nam tươi đẹp”. Trong ánh mắt trong trẻo của Tùng Lâm, chúng tôi nhận thấy một phần thấu hiểu giá trị trường tồn của ngày hôm nay.
Bảy giờ sáng, trời hửng nắng, đoàn người mỗi ngày một đông với hy vọng được vào viếng Tổng Bí thư. Bà Nguyễn Thị Minh (An Lão, Hải Phòng) thuê xe đi từ nhà lúc ba giờ sáng. Ông Nguyễn Đình Thi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đi xe ghép từ lúc bốn giờ. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thưởng, chị Nguyễn Thị Dung (Nghĩa Đàn, Nghệ An), lên tàu hỏa lúc nửa đêm. Tương tự, cô Trần Thị Huệ (Hà Tĩnh), cựu thanh niên xung phong, bắt xe từ tối qua, sáng nay vừa xuống bến đã nhờ người chở đến Nhà Tang lễ. Gặp chúng tôi, cô đứng nghiêm chào kiểu nhà binh để tưởng niệm Tổng Bí thư khiến ai ai cũng xúc động. “Bác Trọng lo cho dân, yêu quý dân, vì vậy, dù đường có xa xôi, tôi vẫn tìm cách ra viếng bác bằng được”, cô Huệ nói trong nước mắt.
“Dân sẽ mãi biết ơn ông, vọng thờ ông ở nơi sâu thẳm trái tim”
Từ khắp mọi miền, dòng người cứ thế đổ về. Lòng dân hướng về anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng toát lên đầy mộc mạc. Không còn sự xa lạ giữa những người chưa từng quen. Họ hỏi han sức khỏe, chia nhau món quà sáng và tiếc nuối cho những ai vội vã quên cầm theo giấy tờ.
Ông Nguyễn Đình Thi, cựu chiến binh trung đoàn 274, sư đoàn 377 quả quyết: “Tổng Bí thư là người giản dị, liêm khiết, tận tụy với dân, quan tâm đến dân. Tổng Bí thư mất đi khiến tôi vô cùng xúc động và đau xót. Hôm nay vội đi quên cầm theo Căn cước nhưng tôi vẫn ở lại đến ngày mai, khi nào tiễn đưa bác Trọng về tới nghĩa trang Mai Dịch mới quay về”. Cũng quên cầm theo giấy tờ, ông Vũ Văn Chu (Quế Võ, Bắc Ninh) vội vã gọi xe taxi trở về quê nhà rồi trở lại Hà Nội. Người dân đến đây đều chung một niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người con ưu tú của dân tộc, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Cô Lê Thị Tuyết (Thanh Xuân) thì chia sẻ: “Tôi đến tưởng nhớ bác. Khi nghe tin bác mất tôi chỉ biết khóc thôi. Không được vào viếng cũng được, tôi và mọi người đứng ngoài này cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Cảm động trước tình cảm người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lực lượng an ninh sắp xếp cho một nhóm nhỏ người dân có mặt từ sáng sớm được vào viếng, cho dù lịch tiếp các đoàn quốc tế và cơ quan, ban, ngành kín đến tận 18h00 cùng ngày. Trong đoàn người được vào viếng Tổng Bí thư ấy, có một du khách nước ngoài. Ông là Stephan, người Đức, đang cùng vợ (bà Hạnh) về thăm Việt Nam. Vốn rất kính trọng tài năng và đức độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Stephan vội vã sắp xếp lịch trình để có thể vào viếng Tổng Bí thư. Nhưng tiếc rằng du khách người Đức này lại quên cầm theo hộ chiếu. Ông và vợ hộc tốc chạy về khách sạn lấy giấy tờ nhưng không kịp theo đoàn. “Thật đáng tiếc vì không thể vào viếng Tổng Bí thư, chiều nay tôi lại phải bay về Đức. Tôi rất kính phục ông Nguyễn Phú Trọng. Dưới sự lãnh đạo của ông, vị thế và uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng vững mạnh”, ông Stephan tâm sự.
Một số người khác đến muộn và không được vào viếng nên chọn cách khác là sang Đông Hội, Đông Anh, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đoàn của chị Lê Thị Nga (Đại Từ, Thái Nguyên) là một trong số đó. Vẻ chất phác, thật thà của chị khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao chị sẵn sàng bỏ công, bỏ việc để lặn lội xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư như thế. “Tổng Bí thư là người gần dân, hiểu dân, thương dân và vì thế, khi ông mất đi, dân sẽ mãi biết ơn ông, đồng thời vọng thờ ông ở nơi sâu thẳm trái tim”.
Trời về chiều, sau cơn mưa bất chợt, bầu trời Hà Nội trở nên quang đãng, dòng người mỗi lúc một dài hơn. Trên các ngả đường hướng về Nhà Tang lễ Quốc gia, cả ngàn người xếp hàng ngay ngắn, bước chân chậm rãi, tuân thủ hướng dẫn của lực lượng an ninh. Từ sau 17h30, nhân dân bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư. Nước mắt cứ vậy tuôn trào. Dòng người chậm rãi chờ đợi vào viếng ấy là minh chứng cho một nhân cách lớn đã đi vào lòng dân tộc.