Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà

TS NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Học viện Chính trị khu vực II

VHO - Tổng Bí thư xác định, văn hóa có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, “nhưng dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp...".

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà - ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ và các đại biểu Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Những ngày qua, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, triệu triệu trái tim của người con đất Việt đã nghẹn ngào, đau nhói. Dẫu biết rằng sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của đời người và biết rằng lâu nay sức khỏe của Tổng Bí thư đã yếu nhưng khi nghe hung tin, mọi người đều không khỏi bàng hoàng, tiếc thương vô hạn.

Tác giả bài viết tuy chưa một lần vinh dự được gặp Tổng Bí thư nhưng những chỉ đạo, định hướng trên lĩnh vực văn hóa của Tổng Bí thư luôn là ngọn đuốc soi đường, tạo niềm cảm hứng để góp phần thúc đẩy bảo tồn, khơi dậy và phát huy văn hóa dân tộc.

1. Một nhân cách văn hóa

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24.11.2021), Tổng Bí thư xác định, văn hóa có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, “nhưng dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá,...).

Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà - ảnh 2

Lãnh đạo và nhân dân TP.HCM viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống nhất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kết tinh những gì là tinh hoa, tinh túy nhất của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, một con người chứa chan những giá trị “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”.

Tổng Bí thư luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ về đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư", cả một đời lo cho dân cho nước, không màng danh lợi. Lời nhắc nhở, căn dặn của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15.9.2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Tổng Bí thư nói mà không hề hổ thẹn với lòng mình, với nhân dân. Người văn hóa là người trọng danh dự, trọng lương tâm. Người văn hóa là người sống có trách nhiệm: trách nhiệm với công việc mà mình đảm nhiệm, trách nhiệm trong từng lời nói, hành động và trên hết là trách nhiệm với nhân dân. “Tư tưởng, đạo đức, lối sống” những lĩnh vực then chốt của văn hóa luôn thấm đẫm trong con người Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư là nhà tư tưởng lớn, nhà lý luận sắc sảo đã dày công học tập và làm theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần đạo đức cách mạng. Với lối sống thanh bạch, giản dị, gần gũi, chan hòa yêu thương với tất cả mọi người, Tổng Bí thư là tấm gương sáng để cán bộ, nhân dân noi theo.

 Với đội ngũ nghệ sĩ, Tổng Bí thư đã nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: "Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hoà mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp". 

Chính nhân cách văn hóa cao đẹp của Tổng Bí thư đã lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản, đã giúp cho người dân hiểu được lẽ phải ở đời. Để yêu thương nhiều hơn, sống có trách nhiệm hơn, trọng danh dự hơn, giữ gìn phẩm chất lối sống "tự soi và tự sửa" mỗi ngày.

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà - ảnh 3

2. Đau đáu với văn hóa nước nhà

Đến dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá, Tổng Bí thư phát biểu: “Tôi rất vui mừng, phấn khởi và hào hứng được đến dự Hội nghị này”, “Hội nghị có ý nghĩa về nhiều phương diện”. Vì “vị trí quan trọng của văn hóa, lâu nay tôi sợ rằng nhận thức chưa đầy đủ, Bác Hồ nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, tôi nhớ có vị tiền bối đã nói: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Chính vì vậy nên trong quá trình trao đổi, làm việc với cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư đã gợi ý “nên chăng có một hội nghị văn hóa toàn quốc”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước…”.

Tôi tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, công tác văn hoá của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vui mừng đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa trong suốt thời gian qua, Tổng Bí thư còn đau đáu, trăn trở với những hạn chế, yếu kém, bất cập trên lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư phát biểu: “Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí… Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao… Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới”.

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà - ảnh 4

Tổng Bí thư chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó và căn dặn: “Chúng ta cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới”.

Như vậy, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc xuất phát từ thực tiễn phát triển văn hóa trong thời gian qua. Chấn hưng là làm trở thành hưng thịnh, thịnh vượng. Chấn hưng và phát triển văn hóa là làm cho các giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc được đề cao và phát huy mạnh mẽ. Chấn hưng và phát triển văn hóa vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết của chúng ta hiện nay.

Kết thúc bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư đề nghị: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của Dân tộc”.

Với tất cả nỗi lòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Tôi tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, công tác văn hoá của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Một nhân cách văn hóa, luôn đau đáu với văn hóa nước nhà - ảnh 5

Trong 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã lựa chọn in trong cuốn sách: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có 2 bài viết về văn hóa rất tâm huyết của Tổng Bí thư, đó là: “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và “Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới”.

Kính trọng, biết ơn, cảm phục và để không làm Tổng Bí thư thất vọng khi ở thế giới bên kia, chúng con nguyện noi gương Tổng Bí thư sống tốt hơn mỗi ngày, ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc để thực hiện thành công mong muốn "chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đâm đà bản sắc dân tộc".