Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Làm văn hóa khó nhưng đừng nản

PHẠM QUANG LONG

VHO - Trong quãng thời gian công tác ở Sở VHTT Hà Nội, tôi đã nhiều lần được tiếp nhận những ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Giản dị mà vô cùng sâu sắc, thấm thía.

Làm văn hóa khó nhưng đừng nản - ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chúc Tết bà con nhân dân Thủ đô tại đền Ngọc Sơn dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: DUY LINH

Ngẫm ra trong đời ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rất nhiều việc và có được lòng tin của nhân dân bởi việc làm vì dân, vì nước của mình. Đó là bản lĩnh, nhân cách văn hóa ở ông.

“Vậy nên cần thiết thực”

Ở cả những quan điểm chỉ đạo hay những việc làm cụ thể, ông đều đưa ra những ý kiến chi tiết, dễ hiểu, dễ làm chứ không chỉ đạo chung chung. Lúc thuyết phục tôi về làm Giám đốc Sở VHTT, ông nói giản dị: “Chú đừng lo mình chưa làm bao giờ nên không làm được. Có ai dạy anh làm Bí thư đâu thế mà anh vẫn làm không đến nỗi tồi. Vừa làm, vừa học. Cái chính là mình có ý muốn học, muốn làm những việc có ích. Rồi trong quan hệ với cộng sự phải chân tình, anh em bảo nhau mà làm”.

Khi giao cho Sở VHTT chuẩn bị Đề án của chương trình Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ông dặn, đại ý: Lĩnh vực văn hóa rộng, cái gì cũng có văn hóa, gắn với văn hóa. Nói kinh tế, chính trị, xã hội, con người ở trong văn hóa cũng được, gắn liền với văn hóa cũng không sai, đi đến cùng vấn đề cũng còn cãi nhau chán. Nhưng chúng ta làm chương trình này không phải là duy danh định nghĩa, không nói lý thuyết chung chung mà là ứng dụng, là vận dụng vào thực tiễn. Vậy thì lý thuyết cũng phải vững nhưng tìm đến kết luận cuối cùng không phải việc của ta mà là của giới nghiên cứu. Ta cần tạo ra được một chuyển biến từ nhận thức đến hành động, để đẩy văn hóa Hà Nội lên một bước. Đừng kỳ vọng sẽ tạo ra cái gì lớn nhưng phải đưa văn hóa Hà Nội nhích lên phía trước, hướng đến những điều tử tế. Hà Nội đang làm, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân tham gia nhưng mọi sự vẫn còn ngổn ngang lắm. Vậy nên cần thiết thực.

Trước những ý kiến chưa thống nhất về mục tiêu phát triển văn hóa Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo những đường hướng nào…, ông chỉ đạo cần tiếp tục suy nghĩ để tìm ra phương thức hiệu quả nhất. Ông bảo: Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu, cũng đã tìm ra những đặc sắc của văn hóa Hà Nội nhưng như thế đã đủ chưa, chất thanh lịch văn minh đã phải là toàn bộ phẩm chất tiêu biểu nhất của Hà Nội chưa, thanh lịch văn minh ngày xưa, “của các cụ” khác với của chúng ta hiện nay thế nào… cần chỉ ra chính xác để còn cùng nhau làm cho được nhiệm vụ này. Khi có ý kiến khá “hàn lâm” trao đổi lại, ông lắng nghe nhưng chỉ trao đổi rất mức độ. Ông nói, vì khó nên mới cần đến chúng ta, mới cần mọi người đầu tư nghiên cứu. Nhưng cần dựa vào luận điểm của Bác Hồ về văn hóa. Đấy không phải là lý thuyết văn hóa mà là đường hướng xây dựng, mục đích hoạt động. Bác nói “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, văn hóa phải góp phần xây dựng đời sống mới, chống hủ hóa, tham nhũng, sửa đổi lối sống của đồng bào…”, ta cứ theo hướng ấy mà làm chắc sẽ có kết quả. “Tôi chỉ nói phương hướng còn tổ chức thực hiện làm sao, theo cách nào phải dựa vào các nhà chuyên môn và nhân dân”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng gợi ý.

 Văn hóa là một khái niệm rộng, nội dung đa dạng, lĩnh vực rộng, cho đến thời điểm này có tới hơn 400 định nghĩa khác nhau. Chúng ta không giống như nhà khoa học nghiên cứu để xác định nội hàm khái niệm về văn hóa mà chúng ta xây dựng văn hóa theo quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu thời đại nhưng lại phải gắn với truyền thống nên cần có quan điểm lịch sử và logic. Đường hướng thì phải xác định, mục tiêu phải đặt ra nhưng việc chuyên môn nên để những người chuyên môn làm.

(Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

Tôi đặc biệt thấm thía quan điểm thiết thực, dựa vào các nhà chuyên môn và nhân dân. Công việc không phải chỉ là của những người trong ngành được giao thực hiện. Tư tưởng ấy mãi cho đến Đại hội lần thứ XII mới được xây dựng thành quan điểm chỉ đạo của Đảng, thành những nguyên tắc chỉ đạo trong thực tiễn. Thế mới biết, để những tư tưởng như vậy đi vào cuộc sống cần phải có thời gian và sự thay đổi của nhận thức. Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng khi ấy đưa ra những chỉ đạo sâu sắc mà thấm thía ở cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn. Khi soạn thảo nội dung chương trình để trình bày trước Thường vụ Thành ủy, chúng tôi gặp một rắc rối nhỏ. Có người không đồng tình với sự chuẩn bị của chúng tôi, phê phán rất nặng và yêu cầu chuẩn bị lại. Nói cho công bằng, đồng chí này hiểu chưa đúng về những giá trị của văn hóa, về sự vận động, biến đổi của đời sống văn hóa, chủ yếu nhìn văn hóa như một hoạt động phong trào, nặng về khía cạnh chính trị của văn hóa chứ không xem xét vấn đề từ góc nhìn bản thể của nó nên yêu cầu phải thay đổi nội dung chương trình và việc này làm khó chúng tôi. Tôi đã giải trình và thuyết phục nhưng đồng chí này không đổi quan điểm.

Tổng kết trao đổi, lúc đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng nói rất thuyết phục: Văn hóa là một khái niệm rộng, nội dung đa dạng, lĩnh vực rộng, cho đến thời điểm này có tới hơn 400 định nghĩa khác nhau. Chúng ta không giống như nhà khoa học nghiên cứu để xác định nội hàm khái niệm về văn hóa mà chúng ta xây dựng văn hóa theo quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu thời đại nhưng lại phải gắn với truyền thống nên cần có quan điểm lịch sử và logic. Đường hướng thì phải xác định, mục tiêu phải đặt ra nhưng việc chuyên môn nên để những người chuyên môn làm. Thế là bản Đề cương được thông qua. Ông nhắc riêng tôi: “Làm văn hóa khó thế đấy nhưng đừng nản. Cái chính là thực tiễn sẽ chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của chương trình. Thế nên cần cố gắng”.

Làm văn hóa khó nhưng đừng nản - ảnh 2

Những ngày cuối đời tại Bệnh viện 108, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vừa điều trị bệnh, vừa nghiên cứu lý luận, ngày 10.5.2024

Không chỉ có thế, có lần ông đã uốn nắn cách đánh giá chưa chuẩn mực ở một số người quá coi trọng kinh tế mà chưa đánh giá đúng vai trò của văn hóa. Ông phân tích kỹ quan điểm không tập trung chỉ đạo phát triển Hà Nội thành trung tâm kinh tế dẫn đầu cả nước, nhưng về văn hóa thì nhất thiết phải trở thành đầu tàu, phải là hình mẫu cho cả nước. Ông bảo, không làm được điều ấy là chúng ta mắc lỗi với Hà Nội và nhân dân cả nước, vì Hà Nội là Thủ đô, là bộ mặt của cả nước. Việc này phải phấn đấu gian khổ, lâu dài nhưng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải kiên trì phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu ấy. Công việc đang triển khai thì Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông rời Hà Nội nhưng những chỉ đạo của ông về văn hóa vẫn được Hà Nội triển khai. Khi Luật Thủ đô ra đời, mục tiêu phấn đấu để trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa đã được luật hóa. Tư tưởng ấy khẳng định tầm nhìn của ông khi còn giữ trọng trách Bí thư Thành ủy.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tư tưởng về văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập được ông nói kỹ hơn, đầy đủ mà cũng đa diện hơn. Vấn đề giá trị văn hóa dân tộc, quốc gia, gia đình, cộng đồng, cá nhân được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày một diễn ra với tốc độ nhanh và quyết liệt. Tinh thần chủ động hội nhập để không bị tụt hậu về văn hóa, đồng nghĩa với tự đào thải khỏi “cuộc chơi lớn” của toàn cầu, để “sánh vai với các cường quốc năm châu” được đặt ra quyết liệt hơn. “Khai dân khí, chấn dân trí”, dựa vào nội lực văn hóa để mở cửa, hội nhập, để không bị đánh mất thế mạnh của dân tộc là những yêu cầu mới. Vấn đề xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa và con người Việt Nam lần đầu được đặt ra cấp bách hơn. Ông nói đến việc “mất văn hóa là mất tất cả”. Thiết nghĩ, lịch sử nhân loại đã từng có nhiều bằng chứng về một dân tộc đánh mất nội lực, bản sắc dân tộc thì nòi giống của dân tộc sẽ bị tha hóa, dân tộc sẽ sa vào con đường tự hủy hoại. Nhưng một dân tộc sẽ đánh mất tương lai của mình nếu tồn tại với một nền văn hóa què quặt, thiếu sức sống. Tình trạng ấy đã và đang là nguy cơ với nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là ở thời kỳ mở cửa và hội nhập này.

Cái gốc của một nền văn hóa có sức sống mạnh mẽ, có khả năng làm thay đổi diện mạo của một đất nước, như lời ông, nằm ở con người và những chính sách văn hóa đúng đắn. Không ít lần ông nói rằng, phát triển đất nước luôn đi liền với phúc lợi xã hội, dân chủ và công bằng mới có thể đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Cụ thể hơn là, “hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Làm văn hóa khó nhưng đừng nản - ảnh 3

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Hà Nội. Ảnh: VIẾT THÀNH

Một nhân cách văn hóa được kính trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi để lại sự trống vắng cho xã hội và cho nhiều người. Bởi lâu nay người ta thấy ông như một nhân cách văn hóa, đem lại lòng tin cho xã hội ở sự kiên định và cách sống tận hiến cho những lựa chọn. Có thể nói, trong hoàn cảnh hiện nay, khi nhiều người trong đội ngũ lãnh đạo sa ngã, thoái hóa thì ông như một vì sao, một nhân cách văn hóa được kính trọng nhất. Sự nhất quán trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của ông và gia đình ông không chỉ đem lại sự tin yêu với Đảng, Nhà nước mà còn với những gì tốt đẹp trong cuộc đời. Ông đề cao danh dự, phẩm giá, lương tâm và xa lạ với mọi kiểu sống thực dụng, uốn éo, giả trá.

Nghe ông nói, có người băn khoăn: Ông trích dẫn những quan niệm sống tận

 … Vì khó nên mới cần đến chúng ta, mới cần mọi người đầu tư nghiên cứu. Nhưng cần dựa vào luận điểm của Bác Hồ về văn hóa. Đấy không phải là lý thuyết văn hóa mà là đường hướng xây dựng, mục đích hoạt động. Bác nói “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, văn hóa phải góp phần xây dựng đời sống mới, chống hủ hóa, tham nhũng, sửa đổi lối sống của đồng bào…”, ta cứ theo hướng ấy mà làm chắc sẽ có kết quả.

Tôi chỉ nói phương hướng còn tổ chức thực hiện làm sao, theo cách nào phải dựa vào các nhà chuyên môn và nhân dân.

(Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

hiến từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước nhưng dường như không hợp thời. Tôi lại có suy nghĩ khác. Thuở ấy lối sống mình vì mọi người, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có vẻ đẹp lý tưởng và sức cuốn hút của nó. Đó là chuẩn mực sống giá trị nhất thời bấy giờ. Sống có ý nghĩa, sống vì cộng đồng, đất nước thời ấy trở thành đạo đức xã hội đến mức có nhà thơ đã chiêm nghiệm Khi riêng tư ta thấy mình xấu hổ. Lối sống giàu ý nghĩa ấy, là biểu tượng đáng tự hào của một thời, tiếc thay bây giờ bị nhiều người xem thường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lớn lên trong bầu không khí ấy, đã lựa chọn lẽ sống ấy và ông phấn đấu theo những tiêu chí ấy suốt đời mình nhưng ông không coi đó là sự độc thiện kỳ thân mà ông truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, mong thế hệ trẻ cũng lựa chọn lối sống đẹp ấy. Sự lựa chọn của ông như là lựa chọn của kẻ sĩ, coi trọng giá trị tinh thần hơn những lợi ích vật chất tầm thường. Ông không nói ra nhưng ông giữ tinh thần tu thân của kẻ sĩ rất nghiêm cẩn: Làm giàu có trí tuệ, sống thanh cao và giản dị. Chất kẻ sĩ Bắc Hà ở ông rất đậm nét trong lựa chọn lối sống, hành xử cho đến tận ngày cuối cùng của đời mình. Ông tề gia, trị quốc đúng theo tinh thần người quân tử. Quân tử khứ nhân, ô hồ thành danh (người quân tử không thể bỏ qua điều nhân đức).

Ông ghét cái xấu, ghét bọn sâu mọt tham nhũng như ghét những cặn bã của xã hội. Ông kiên trì chống tham nhũng không trừ vùng cấm nào với tinh thần “diệt giặc nội xâm”, chỉ đạo các cấp “ai không muốn làm thì đứng sang một bên” vì muốn môi trường xã hội lành mạnh. Ông mong muốn xây dựng con người Việt Nam theo hướng này, không mất những phẩm chất truyền thống nhưng cũng hòa cùng nhịp bước với thời đại. Xã hội ghi nhận đóng góp của ông, tôn trọng lối sống của ông. Hồi ông còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, có vị Giáo sư già đã tặng ông đôi câu đối như lời nhắn gửi người học trò của mình và cũng là gửi gắm niềm tin nơi ông: Thượng tôn pháp luật, trừng đố quốc/ Hạ kết nhân tâm, diệt tặc dân (nghĩa là: Trên thì thượng tôn pháp luật, trừng trị bọn sâu mọt đục khoét quốc gia; Dưới thì kết nối nhân tâm, diệt bọn hại dân).

Rồi khi gặp gỡ các sinh viên khóa 8 khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), lúc đó ông đã đảm nhiệm chức Tổng Bí thư, thầy lại cho ông chữ Trọng chính, trọng liêm, hưng Đảng tiết/ Giương tài, giương trí, kết nhân tâm (nghĩa là: Trọng sự chính trực, liêm chính, chấn hưng khí tiết Đảng; Đề cao người tài, trí thức, gắn kết lòng dân). Ngẫm ra trong đời ông, ông đã làm rất nhiều việc và có được lòng tin của nhân dân bởi tấm lòng vì dân, vì nước. Đó là bản lĩnh, nhân cách văn hóa ở ông. Ông mất đi, để lại một khoảng trống vắng cho xã hội và cho mỗi người. Nhưng di sản ông để lại không hề nhỏ. Ở đây tôi không nói đến những vấn đề lớn lao khác mà chỉ nói đến những bài học từ ông với tư cách một nhân cách văn hóa.